Khi nhắc tới các hành động của chính phủ Mỹ với Huawei và giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn Mạnh Vãn Châu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định đây là "những động thái chính trị có chủ đích để hạ gục họ (Huawei)", theo Nikkei Asian Review.
"Chúng tôi ủng hộ công ty và cá nhân bị nghi ngờ tìm kiếm sự bồi thường hợp pháp để bảo vệ lợi ích của chính họ, (ủng hộ việc họ) không chấp nhận trở thành nạn nhân như những con cừu im lặng", ông Vương nói trong một cuộc họp báo hôm 8/3.
Hôm 7/3, Huawei tuyên bố họ đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Texas, thách thức tính hợp hiến của điều 899 Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 mà Tổng thống Donald Trump đã ký hồi tháng 8/2018. Điều khoản này quy định cấm các cơ quan liên bang Mỹ cũng như các nhà thầu của họ mua sắm các thiết bị và dịch vụ của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Huawei tổ chức buổi họp báo công bố quyết định kiện chính phủ Mỹ. Ảnh: AP. |
Trước đó, CFO Huawei Mạnh Vãn Châu đã đệ đơn kiện cơ quan Dịch vụ biên giới, Cảnh sát Hoàng gia và chính phủ Canada vi phạm quyền của bà khi giam giữ và lục soát nơi ở theo yêu cầu của Mỹ. Các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Mạnh nói dối một số ngân hàng và vi phạm lệnh cấm vận của Washington với Iran.
"Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ bắt buộc của chính phủ Trung Quốc", ông Vương nói trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh.
Khi được hỏi về những phát ngôn có phần hung hăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây liên quan đến Huawei, bà Mạnh Vãn Châu và một số vấn đề khác, ông Vương nói: "Quyết liệt chưa bao giờ là truyền thống Trung Quốc. Như mọi quốc gia khác, Trung Quốc sẽ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình và chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ sự xâm phạm nào đến chủ quyền và phẩm giá của chúng tôi".
Ông Vương cũng bảo vệ kế hoạch mang tính biểu tượng của Chủ tịch Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vốn bị phương Tây chỉ trích là khiến nhiều quốc gia liên quan vướng vào những khoản nợ không bền vững.
Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra những ví dụ về sự cải thiện cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, châu Âu, châu Phi và Thái Bình Dương được tài trợ thông qua chương trình và cho biết: "BRI không phải là cái bẫy nợ các quốc gia mắc phải mà là một miếng bánh kinh tế có lợi cho dân cư địa phương".
"Nó không phải là công cụ địa chính trị, mà nó mang lại cơ hội rất lớn cho sự phát triển chung", ông Vương khẳng định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời trong buổi họp báo bên lề kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) khóa 13. Ảnh: AP. |
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhắc tới cuộc gặp thượng đỉnh gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra tại Hà Nội, coi đây là "một bước quan trọng tiến tới giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân".
Kêu gọi sự kiên nhẫn và "những kỳ vọng hợp lý", ông Vương cho biết "vấn đề hạt nhân đã kéo dài hàng thập kỷ... chúng ta không thể kỳ vọng nó được giải quyết trong một đêm".
"Mỗi bên không nên đặt tiêu chuẩn quá cao về kết quả hoặc đưa ra những yêu cầu đơn phương và không thực tế", ông Vương cho biết, nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên là "không thể thay thế".
Ông Vương cũng bày tỏ sự tự tin về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, bất chấp căng thẳng thương mại trước cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập, được dự kiến diễn ra trong tháng này hoặc tháng tới.