Chính phủ Campuchia đã cấp 45.000 héc ta đất ở tỉnh Koh Kong, bao gồm 20% đường bờ biển ở tỉnh này cho Union Development Group (UDG) của Trung Quốc. Tập đoàn tư nhân này sẽ xây dựng khu du lịch, sân bay, cảng nước sâu với giá thuê đất chỉ 1 triệu USD/năm, South China Morning Post cho biết.
Ít nhất đó là những gì được công bố chính thức. Những người hoài nghi dự án "tốt đẹp tới khó tin" này cho rằng còn lý do khác phía sau sự quan tâm của Bắc Kinh. Họ đánh giá diễn biến này nhằm vào câu chuyện thu hút du khách Trung Quốc lẫn mở đường cho quân đội nước này.
Sự hoài nghi về dự án gia tăng gần đây, khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu công bố ảnh vệ tinh chụp khu vực dự án với đường băng dài hơn nhiều so với yêu cầu dành cho máy bay dân sự.
Theo South China Morning Post, các quan chức Campuchia đã cố gắng tìm cách phủ nhận rằng cảng nước sâu của dự án có thể phục vụ cho lợi ích quân sự của Trung Quốc. Vì vậy, những nghi vấn về đường băng nổi lên chỉ càng củng cố những ngờ vực rằng sự phát triển của sân bay nhằm phục vụ mục đích kép.
Sân bay lớn trong khu vực hẻo lánh
Đường băng đang thi công có chiều dài khoảng 3.400 m, lớn hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và có thể tiếp nhận bất kỳ máy bay nào của không quân Trung Quốc, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết.
Ảnh vệ tinh chụp sân bay đang xây dựng ở dự án Koh Kong. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ châu Âu. |
Mặt khác, địa điểm xây dựng nằm ở vị trí khá hẻo lánh đối với một sân bay lớn như vậy, nếu chỉ dùng cho mục đích dân sự. Gần sân bay là các dự án sòng bạc, khu nghỉ dưỡng cho đến nay vẫn còn gặp nhiều trục trặc, theo ông Poling.
Về câu hỏi dự án có dành cho mục đích quân sự hay không, ông Poling cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Vị chuyên gia của CSIS nhận định nếu có bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á mà Trung Quốc có thể đạt được sự hiện diện quân sự luân phiên, đó sẽ là Campuchia.
Các hình ảnh vệ tinh phản ánh một loạt hoạt động xây dựng trên đường băng, sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence gửi thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11-2018, bày tỏ lo ngại về dự án có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Phần lớn đường băng đã được hoàn thành chỉ trong tháng 2 và kích thước của nó lớn hơn đáng kể so với khuyến nghị của Cục Hàng không Liên bang (Mỹ) là 2.800 m đối với máy bay Boeing 787-900.
Trên thực tế, ngay cả diện tích đất khổng lồ được cấp cho dự án Koh Kong cũng có vấn đề về pháp lý. Dự án chiếm tới 45.000 héc ta trong khi luật đất đai Campuchia chỉ cho phép thuê đất không quá 10.000 héc ta.
Dự án núp bóng công ty tư nhân
Union Development Group vốn là một công ty tư nhân, nhưng sự phát triển của nó từ lâu đã bị nghi ngờ liên quan tới Bắc Kinh. Cựu phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, lãnh đạo cấp cao của Sáng kiến Vành đai và Con đường, là người ủng hộ dự án Koh Kong ngay từ đầu.
Ông Trương cũng là người chủ trì việc ký kết giữa UDG và chính phủ Campuchia. Dự án nhận được nhiều quan tâm của các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có ông Vương Khâm Mẫn, phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Sân bay ở Koh Kong được cho là quá lớn so với một dự án dân sự ở khu vực khá hẻo lánh. Ảnh: Khmertimeskh. |
Một chuyên gia quân sự phương Tây khác nói rằng quy mô của UDG dường như không phù hợp với tiềm năng thương mại của dự án. Vị này đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính, tính bền vững, ứng dụng cho mục đích dân sự, quân sự cũng như ý định cuối cùng của các bên liên quan.
South China Morning Post đã tìm cách liên lạc với phát ngôn viên bộ quốc phòng Campuchia để tìm hiểu vấn đề nhưng chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia nói rằng ông không thể bình luận về việc chính phủ có giám sát dự án hay không.
Paul Chambers, nhà phân tích thuộc Đại học Naresuan, Thái Lan trước đó đã nói với South China Morning Post, rằng các quan chức cấp cao ở Campuchia thừa nhận Thủ tướng Hun Sen đang xem xét phê duyệt một căn cứ hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc có thể tìm cách kiểm soát vĩnh viễn
Dự án Koh Kong ở Campuchia được cho là tương tự số phận các dự án khác của Trung Quốc ở Lào và Sri Lanka. Đặc biệt là trường hợp của Sri Lanka, để cấn trừ khoản nợ hơn 1 tỉ USD cho Bắc Kinh, nước này đã buộc phải để 1 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê cảng Hambantota tới 99 năm.
“Trường hợp của Sri Lanka, sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư Trung Quốc đã buộc họ phải trao lại quyền kiểm soát cơ sở đó cho Trung Quốc. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Campuchia”, ông Chambers phân tích.
Chính phủ Sri Lanka buộc phải giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc vì bẫy nợ từ Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
Năm 2016, Trung Quốc đã cung cấp tới 36% tổng viện trợ kinh tế cho Campuchia và 30% vốn đầu tư tại nước này. Chỉ trong năm nay, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ 558 triệu USD và hứa nhập khẩu 400.000 tấn gạo.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu và Mỹ dự tính áp đặt các lệnh trừng phạt với Phnom Penh về vấn đề nhân quyền, sự phụ thuộc của Campuchia vào đầu tư của Trung Quốc sẽ càng lớn hơn. Đất cho dự án UDG dự kiến sẽ được trả lại cho Campuchia khi hết hạn thuê vào năm 2108, nhưng một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tìm cách tận dụng tình hình để thiết lập quyền sở hữu vĩnh viễn.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, Mỹ, nhận định mô hình cảng của UDG có năng lực sử dụng cho quân sự, tương tự mô hình cảng mục đích kép của Trung Quốc tại Djibouti, Sri Lanka, Pakistan và Myanmar.
Bà Yun cho rằng Trung Quốc cố tình theo đuổi mô hình này để tránh bị chỉ trích. Tuy vậy, sự chỉ trích và phản đối là điều khó tránh khỏi. Dự án Koh Kong nằm ở khu vực chiến lược và nhạy cảm, gồm tranh chấp Biển Đông, nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc qua eo biển Malacca, thậm chí cả vấn đề Đài Loan.
Cảng Koh Kong nằm đối diện với một kênh đào được đề xuất ở Thái Lan cho phép Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, tuyến đường nhập khẩu năng lượng chiến lược của Trung Quốc. Căn cứ ở Koh Kong có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.