Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc quân sự hóa 'Vành đai, Con đường' tại Pakistan?

Trong khuôn khổ chương trình mà Bắc Kinh luôn khẳng định là hòa bình, Pakistan và Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án liên quan đến quốc phòng, bao gồm chế tạo chiến đấu cơ.

Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu năm mới bằng cách đình chỉ hàng tỷ đô-la viện trợ an ninh cho Pakistan, có giả thuyết cho rằng điều này sẽ tạo áp lực khiến quân đội Pakistan hợp tác tốt hơn với các đồng minh Mỹ.

Thực tế, Pakistan đã có một nhà tài trợ khác đang đợi sẵn.

Chỉ hai tuần sau, Không quân Pakistan và các quan chức Trung Quốc đã hoàn thiện bản đề xuất bí mật để Pakistan tham gia chế tạo máy bay quân sự, vũ khí và các khí tài khác cho Trung Quốc.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 1
Cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (ở giữa bên trái) cầu nguyện trong lễ khai trương chính thức cảng Gwadar năm 2016. Ảnh: AP.

Tất cả các dự án quân sự này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chuỗi chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD trải dài trên 70 quốc gia, do Bắc Kinh xây dựng và tài trợ.

Các quan chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định Vành đai và Con đường hoàn toàn là một dự án kinh tế với mục đích hòa bình. Tuy nhiên, thông qua kế hoạch với Pakistan, Trung Quốc lần đầu tiên lồng ghép chương trình này với tham vọng quân sự của mình, điều mà nhiều quốc gia nghi ngờ từ lâu.

Tham vọng quân sự

Kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường bắt đầu vào năm 2013, Pakistan đã trở thành địa điểm hàng đầu của chương trình, với khoảng 62 tỷ USD trong các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Trung Quốc cho Pakistan vay càng nhiều, hai nước càng xích lại gần nhau.

Khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng lạnh nhạt, Pakistan háo hức chuyển hướng sang Trung Quốc. Một số quan chức Pakistan lo ngại mất chủ quyền vào tay đồng minh châu Á giàu có.

Tuy nhiên, với mối quan hệ ràng buộc về nhiều mặt với Trung Quốc, Pakistan gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo.

Ngay cả trước khi dự án hợp tác quân sự mới giữa Trung Quốc và Pakistan được tiết lộ, một số dự án lớn nhất của Trung Quốc tại Pakistan đã có ý nghĩa chiến lược rõ ràng.

Một cảng biển và đặc khu kinh tế do Trung Quốc xây dựng tại thành phố Gwadar của Pakistan sẽ thúc đẩy thương mại, giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa đến biển Arab nhanh hơn.

Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho Bắc Kinh quân bài chiến lược để đối phó Ấn Độ và Mỹ nếu căng thẳng trên biển giữa các cường quốc tồi tệ đến mức phải phong tỏa đường biển.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 2
Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Pakistan. Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Đồ họa: New York Times.

Ở Pakistan, Trung Quốc tìm thấy một đồng minh thân thiện với nhiều ưu điểm: biên giới chung và lịch sử hợp tác lâu dài; một hàng rào ở Nam Á chống lại Ấn Độ; một thị trường lớn để buôn bán vũ khí và thương mại với tiềm năng phát triển; một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Giờ đây, chính tại quốc gia từng có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc đang tìm kiếm địa điểm phát triển công nghệ an ninh và do thám của mình.

“Công nghệ của tương lai và công nghệ của các hệ thống an ninh tương lai có thể là mối đe dọa an ninh lớn nhất trong dự án Vành đai và Con đường”, Priscilla Moriuchi, làm việc tại công ty theo dõi tình báo Recorded Future, nhận xét.

Tài sản trên biển

Liên minh an ninh Trung Quốc - Pakistan đang tiến nhanh trên con đường dài dẫn đến biển Arab. Năm 2015, Trung Quốc giành được một cảng mới mở ở thành phố biển Gwadar của Pakistan và mở rộng dự án với kế hoạch phát triển ước tính trị giá 800 triệu USD, bao gồm đặc khu kinh tế lớn cho các công ty Trung Quốc.

Các chi tiết chính của dự án được giữ kín ngay từ đầu, bao gồm các điều khoản cho vay và thời gian thuê hơn 40 năm để một công ty nhà nước Trung Quốc đảm bảo vận hành cảng.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 3
Cảng do Trung Quốc xây dựng và vận hành ở Gwadar, Pakistan. Ảnh: Reuters.

Trong những năm gần đây, các công ty nhà nước Trung Quốc đã tiến hành xây dựng cảng biển tại các điểm chiến lược quanh Ấn Độ Dương, bao gồm các địa điểm ở Sri Lanka, Bangladesh và Malaysia.

Các quan chức Trung Quốc khẳng định các cảng sẽ không bị quân sự hóa. Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ đây có thể là cách Trung Quốc biến các vùng lãnh thổ ven biển thành tài sản quân sự của mình, giống như cách nước này tiến hành quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Năm ngoái, sau khi không thể trả nợ cho Trung Quốc, Sri Lanka đã bàn giao cảng do Trung Quốc xây dựng tại Hambantota theo hợp đồng thuê 99 năm. Các quan chức Ấn Độ và Mỹ cho rằng Trung Quốc đã có ý định kiểm soát cảng này ngay từ đầu.

Vào tháng 10, Phó tổng thống Mike Pence nhận định Sri Lanka là lời cảnh báo cho tất cả quốc gia nằm trong chương trình Vành đai và Con đường, rằng Trung Quốc đang dụ họ vào bẫy nợ.

“Trung Quốc sử dụng cái gọi là ngoại giao nợ để mở rộng ảnh hưởng của mình. Cứ hỏi Sri Lanka xem. Họ đã vay nợ số tiền lớn để các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng một cảng có giá trị thương mại đáng ngờ. Có thể nó sẽ sớm trở thành căn cứ quân sự cho sự phát triển của hải quân Trung Quốc”, ông Pence nhấn mạnh.

Các nhà phân tích quân sự dự đoán rằng Trung Quốc có thể sử dụng Gwadar để mở rộng phạm vi hoạt động cho các tàu ngầm tấn công. Năm 2015, Trung Quốc đã đồng ý bán 8 tàu ngầm cho Pakistan trong một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD.

Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị mà họ bán cho quốc gia Nam Á này để tiếp nhiên liệu cho các tàu ngầm của riêng mình, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân.

Lún sâu vào nợ nần

Khi Trung Quốc công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013, tân thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif coi đó là câu trả lời cho một loạt vấn đề.

Đầu tư nước ngoài vào Pakistan rất ít ỏi do ảnh hưởng của các cuộc tấn công khủng bố và tình trạng tham nhũng nhiều năm. Trong khi đó, Pakistan đang rất cần một mạng lưới điện hiện đại để giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện kéo dài. Trung Quốc đã đồng ý giúp Pakistan xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 4
Cờ Trung Quốc được treo tại nhà máy nhiệt điện Sahiwal ở Pakistan. Với chi phí xây dựng khoảng 1,9 tỷ USD, đây là một trong những dự án đầu tiên và lớn nhất được tài trợ và hoàn thiện theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ảnh: Bloomberg.

Vào tháng 10, ngân hàng trung ương Pakistan tiết lộ tổng nợ và nghĩa vụ nợ khoảng 215 tỷ USD, với nợ nước ngoài khoảng 95 tỷ USD. Với gần một nửa các dự án CPEC đã hoàn thành, về mặt giá trị, Pakistan đang nợ Trung Quốc 23 tỷ USD.

Theo kế hoạch mở rộng Vành đai và Con đường trong những năm tới, nước này sẽ vay Trung Quốc tổng cộng 62 tỷ USD trước khi lãi suất đẩy số nợ lên tới 90 tỷ USD.

Bộ trưởng nội các Ahsan Iqbal, người tham gia xây dựng CPEC trong chính phủ trước, khẳng định dự án đã được cân nhắc kỹ lưỡng và gạt bỏ ý kiến lo ngại về mức nợ gia tăng.

“Không ai muốn đầu tư vào đây cả, người Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội”, ông Iqbal nói.

Tuy nhiên, thời hạn trả nợ đang đến gần. Pakistan sẽ phải trả khoản nợ đầu tiên cho Trung Quốc vào năm tới bắt đầu từ khoảng 300 triệu USD và tăng dần để đạt khoảng 3,2 tỷ USD vào năm 2026.

Máy bay chiến đấu và vệ tinh

Theo đề xuất bí mật được Không quân Pakistan và các quan chức Trung Quốc đưa ra vào đầu năm, một đặc khu kinh tế thuộc CPEC sẽ được lập ra ở Pakistan để sản xuất thế hệ máy bay chiến đấu mới.

Lần đầu tiên, các hệ thống định vị, hệ thống radar và vũ khí trên tàu sẽ được các nước cùng tham gia chế tạo tại các nhà máy ở Pakistan.

Dự án sẽ mở rộng hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan trong việc lắp ráp máy bay chiến đấu JF-17 tại Khu liên hợp hàng không Kamra do Pakistan điều hành ở tỉnh Punjab.

Các máy bay do Trung Quốc thiết kế sẽ giúp Pakistan thay thế các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo khi quan hệ với Washington trở nên lạnh nhạt.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 5
Máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc thiết kế được chế tạo tại Pakistan. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, thỏa thuận với Pakistan có thể là bước đệm để vũ khí Trung Quốc thâm nhập thị trường lớn hơn của thế giới Hồi giáo.

Trong nhiều năm, sự hợp tác quân sự quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Pakistan là trong lĩnh vực không gian.

Năm 2013, Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với Pakistan để xây dựng mạng lưới các trạm vệ tinh tại Pakistan nhằm thiết lập hệ thống định vị Bắc Đẩu thay thế mạng GPS của Mỹ.

Giống như GPS, Bắc Đẩu có chức năng dân sự và quân sự. Pakistan là quốc gia duy nhất được Trung Quốc cấp quyền truy cập vào dịch vụ quân sự của hệ thống để hướng dẫn tên lửa, tàu và máy bay.

Nếu thử nghiệm với Pakistan diễn ra tốt đẹp, Bắc Kinh có thể cung cấp dịch vụ quân sự Bắc Đẩu cho các quốc gia khác và khiến Mỹ khó theo dõi hoạt động quân sự của khối các nước này.

Đến năm 2020, khi tất cả 35 vệ tinh cho hệ thống được phóng, Bắc Đẩu sẽ hoàn thiện.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 6
Mô hình mạng lưới vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc được trưng bày trong Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc tại thành phố Chu Hải vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, các vụ phóng vệ tinh của Trung Quốc rất đáng ngại. Theo báo cáo Lầu Năm Góc trình lên quốc hội Mỹ hồi tháng 5, quân đội Trung Quốc “tiếp tục tăng cường khả năng quân sự trong không gian bất chấp lập trường công khai chống lại việc quân sự hóa vũ trụ”.

Vào tháng 10, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Fawad Chaudhry nói rằng Pakistan sẽ gửi phi hành gia của họ lên vũ trụ với sự giúp đỡ của Trung Quốc vào năm 2022.

“Chúng ta đang ngày càng thân thiết với Trung Quốc. Đã đến lúc phương Tây thức tỉnh và nhận ra tầm quan trọng của chúng ta”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ve vãn quân đội Pakistan

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan rõ ràng đã trở nên khăng khít hơn nhưng không phải không có căng thẳng. CPEC vẫn có thể bị tổn thương trước những thay đổi chính trị ở Pakistan như đã xảy ra trong năm nay tại Malaysia, nơi đã tạm gác ba dự án lớn của các công ty Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 7, Thủ tướng Imran Khan từng tuyên bố sẽ xem xét các dự án CPEC và đàm phán lại nếu giành chiến thắng. Vào tháng 9, sau cuộc gặp với thái tử Saudi Arabia, ông Khan nói rằng Saudi Arabia đã đồng ý đầu tư vào CPEC.

Bộ trưởng thương mại mới của Pakistan sau đó đề xuất tạm dừng tất cả các dự án CPEC trong khi chính phủ đánh giá lại.

Các động thái của chính phủ mới ở Pakistan đã chọc giận Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc còn có một đồng minh bền vững có thể giúp họ tiếp cận mọi thứ một cách suôn sẻ: quân đội Pakistan. Nếu giành được các dự án cơ sở hạ tầng thông qua CPEC, giới quân sự Pakistan có thể thu về hàng triệu đô-la.

Ngay sau tuyên bố của bộ trưởng thương mại, tướng Qamar Javed Bajwa, tổng tư lệnh quân đội Pakistan, đã vội vã tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuyên bố của quân đội Pakistan khẳng định “Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng CPEC nhất định sẽ thành công bất chấp mọi biến cố và quân đội Pakistan sẽ đảm bảo an ninh cho CPEC bằng mọi giá”.

Vanh dai va Con duong tai Pakistan anh 7
Thủ tướng Pakistan Imran Khan tới gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc vào tháng 11 với hy vọng đạt được một thỏa thuận kinh tế. Ảnh: Pool.

Ngay sau cuộc họp tại Bắc Kinh, chính phủ Pakistan đã rút lại lời mời Saudi Arabia tham gia CPEC và hoãn mọi cuộc thảo luận về việc tạm dừng hoặc hủy bỏ các dự án của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc vẫn chưa được đảm bảo hoàn toàn. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Pakistan đã buộc chính phủ Khan phải tìm kiếm các khoản vay quốc tế kèm theo đòi hỏi minh bạch.

Trong cuộc họp với các quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính phủ Pakistan đã yêu cầu khoản cứu trợ lên tới 12 tỷ USD.

Đại diện của quỹ đã gây áp lực để Pakistan chia sẻ tất cả thỏa thuận hiện có với chính phủ Trung Quốc và yêu cầu IMF tài trợ trong bất kỳ cuộc đàm phán CPEC nào trong tương lai. IMF cũng yêu cầu Pakistan đảm bảo không sử dụng gói cứu trợ để trả các khoản vay CPEC.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad đã nhanh chóng củng cố cam kết, yêu cầu các thỏa thuận CPEC được giữ bí mật và hứa sẽ cứu trợ tài chính cho Pakistan với các khoản vay song phương.

Ba tháng sau khi nhậm chức, ông Khan vẫn chưa thực hiện được lời hứa tiết lộ bản chất của khoản đầu tư trị giá 62 tỷ USD mà Bắc Kinh đã cam kết với Pakistan. Chính phủ của ông cũng quay lưng với thỏa thuận của IMF.

Đầu tháng 11, ông Khan đã đến thăm ông Tập ở Bắc Kinh với mong muốn giành được các khoản vay và trợ cấp song phương để giảm bớt khủng hoảng tài chính Pakistan.

Thay vào đó, chính phủ của ông phải ra về cùng những lời hứa mơ hồ về một thỏa thuận “trên nguyên tắc” nhưng không đưa ra bất kỳ chi tiết nào.

Những vũ khí Mỹ chuẩn bị cho cuộc đua không gian với Nga và Trung Quốc Thành lập lực lượng Không gian, phát triển vũ khí mới là những bước mà Washington đang chuẩn bị cho cuộc chạy đua vũ trang trong không gian với Nga và Trung Quốc.

Huawei và đế chế công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của Trung Quốc

Những tập đoàn tư nhân như Huawei đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, một phần trong chiến lược hội nhập quân - dân sự của Bắc Kinh.

Trung Quốc - từ khách hàng mua vũ khí đến đối tác quân sự của Nga

Xuất phát điểm là khách hàng mua vũ khí của Nga, Bắc Kinh đã vươn lên mạnh mẽ tự sản xuất thiết bị quân sự và trở thành đối tác quân sự cao cấp với Moscow.

Tuyết Mai (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm