Cùng ngày Ngoại trưởng Australia gặp người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh như một tín hiệu làm nồng ấm hơn mối quan hệ song phương, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng công bố gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,2 tỷ USD như một phần của kế hoạch "bước tiến đến Thái Bình Dương", theo CNN.
Mặc dù các chính trị gia Australia không muốn thừa nhận kế hoạch này nhằm mục tiêu chống lại một quốc gia khác, trong bài viết đăng trên CNN, nhà nghiên cứu John Lee nhận định kế hoạch lại được triển khai trong bối cảnh Australia ngày càng quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên phương diện ngoại giao, kinh tế và quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực được coi như "sân sau" của Australia.
Sách Trắng Quốc phòng 2016 của Australia tái khẳng định rằng ưu tiên cao nhất trong chiến lược quốc phòng là đảm bảo không có thế lực thù địch nào có thể tiếp cận lục địa Australia từ Đông Nam Á hoặc Nam Thái Bình Dương.
Hơn nữa, mặc dù không chính thức, từ lâu các đồng minh Mỹ và Nhật Bản đã có chính sách đảm bảo an ninh Đông Bắc Á, Mỹ với sự hỗ trợ của Australia ở khu vực Đông Nam Á, và riêng Australia nhận trách nhiệm tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Australia và người đồng cấp phía Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 8/11. Ảnh: Getty. |
Theo tiến sĩ John Lee, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson (trụ sở ở Washington) và Viện Nghiên cứu Mỹ (Sydney), việc Trung Quốc đang tìm cách sử dụng ngoại giao bẫy nợ để đổi lấy các cảng Hanabata ở Sri Lanka và Gwadar ở Pakistan cho các mục đích quân sự trong tương lai khiến Australia lo ngại về an ninh ở Nam Thái Bình Dương. Để chắc chắn, Australia đã viện trợ và tài trợ phát triển cho các quốc đảo ở khu vực này trong thời gian dài.
Vấn đề mà Australia đang gặp phải là nước này không thể vượt qua Trung Quốc về mặt kinh phí đầu tư trong thời gian ngắn, và cũng không được để cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương lợi dụng nguồn viện trợ từ cả nước này và Trung Quốc cùng lúc.
Thủ tướng Morrison muốn đảm bảo rằng các nền kinh tế nhỏ này sẽ chọn nguồn viện trợ của Australia, vốn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Thế giới và các tiêu chuẩn tài chính quốc tế khác. Các khoản vay này cũng không bị ràng buộc bởi các quy định không cần thiết, điều kiện hoàn trả phục vụ phát triển bền vững và không gây nguy hiểm cho khả năng thanh toán của các quốc đảo nhỏ.
Cũng theo ông Lee, Australia biết rằng nước này không thể ngăn chặn Trung Quốc khỏi khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng có thể cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển về hậu quả của các khoản vay từ Trung Quốc và cung cấp một giải pháp thay thế về cơ sở hạ tầng cho các quốc gia.