“Trung Quốc không giúp đỡ các nước khác mà chỉ đến đầu tư nhằm nằm quyền kiểm soát tài nguyên ở những nơi đó”, Ray Washburne, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC), ngày 12/9 nêu nhận định.
OPIC là một cơ quan chính phủ, hỗ trợ định hướng dòng vốn tư nhân của Mỹ cho các dự án phát triển ở nước ngoài dưới hình thức các khoản vay hoặc quỹ đầu tư, theo South China Morning Post.
Ray Washburne, chủ tịch kiêm CEO OPIC, cho rằng Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược cho vay đẩy đối tác vào bẫy nợ. Ảnh: Dallasnews. |
Phát biểu tại một sự kiện ở trụ sở Washington của OPIC, ông Washburne cho rằng Trung Quốc cố tình đẩy những nước đối tác vào bẫy nợ, sau đó đòi kiểm soát “nguồn khoáng sản, đất hiếm hoặc nhiều tài sản chiến lược khác làm phí đền bù cho các khoản vay”.
Gần 5 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng đại kế hoạch kết nối kinh tế Á - Âu với tên gọi Một Vành đai, Một Con đường thông qua các khoảng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Tính chất địa chính trị của kế hoạch này nhanh chóng làm dấy lên nhiều lo ngại. Trung Quốc sau đó đổi tên chiến lược thành sáng kiến Vành đai, Con đường.
Thời gian qua, mô hình đầu tư của Trung Quốc còn vấp phải chỉ trích đẩy các nước đối tác rơi vào những khoản nợ vượt khả năng chi trả.
Tháng 12/2017, Sri Lanka phải chấp nhận bán cho Trung Quốc phần lớn cổ phần trong cảng Hambantota với giá 1,12 tỷ USD để trả nợ. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng hoãn hàng loạt dự án đầu tư của Trung Quốc, lo ngại đất nước rơi vào bẫy nợ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 5. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh đang nỗ lực xoa dịu lo ngại của cộng đồng quốc tế. Tại một hội thảo ngày 27/8, ông Tập khẳng định Trung Quốc cần “ưu tiên lợi ích của nước đối tác và xúc tiến những dự án có lợi cho người dân sở tại”. Bắc Kinh cũng đang thuyết phục Nhật Bản hợp tác đầu tư cho những dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Trong khi đó, Giám đốc truyền thông OPIC Carol Danko cho rằng Nhật Bản sẽ khó trở thành đối tác với Trung Quốc vì những khác biệt trong chuẩn mực hỗ trợ tài chính.
“Trung Quốc sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khi hợp tác cùng những nền kinh tế lớn khác tại châu Á. Nếu không, Nhật Bản sẽ khó lòng chấp nhận”, bà cho biết.