Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Củ cà rốt triệu USD quá chậm của Mỹ với 'Vành đai, Con đường'?

Sáng kiến kinh tế mới của Mỹ lập tức được giới phân tích đặt lên bàn cân so sánh với sáng kiến "Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, đồng thời bị nghi ngờ về tính thực tiễn.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 1Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 2

Ngay sau sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Vision - IPEV), trong đó cam kết đầu tư 113,5 triệu USD vào các mảng kinh tế số, năng lượng và hạ tầng trong khu vực, Mỹ tiếp tục công bố khoản đóng góp 300 triệu USD cho các dự án đảm bảo an ninh tại khu vực.

Những công bố của Mỹ diễn ra dồn dập. IPEV với 113,5 triệu USD được công bố ngày 30/7 ở Washington DC, ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên đường tới châu Á để thăm Malaysia, Singapore, Indonesia cũng như là tham dự một loạt cuộc họp ở ARF và các tương tác với ASEAN. 300 triệu USD còn lại được công bố bên lề cuộc gặp các ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần 8 tại Singapore sau đó 5 ngày. 

Nước Mỹ muốn thể hiện mình chi mạnh tay cho các đồng minh và Washington đã vung tay liên tiếp. 

Kế sách mới của Mỹ lập tức được đặt lên bàn cân so sánh với sáng kiến "Vành đai, Con đường” (Belt and Road Initiative - BRI) của Trung Quốc. Xét đến việc nước Mỹ thời Donald Trump dường như không còn mặn mà với khu vực châu Á - Thái Bình Dương như thời Tổng thống Obama và 413,5 triệu USD công bố là quá nhỏ nhoi so với hàng trăm tỷ USD Trung Quốc dành cho "Con đường tơ lụa mới" của mình trong "Vành đai, Con đường". Nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính thực tiễn của “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” mới này.

Zing.vn có cuộc trao đổi bàn tròn với các chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Đó là: giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales Canberra, Australia; phó giáo sư Thành Hiểu Hà từ Đại học Nhân dân, Trung Quốc; tiến sĩ Trương Bạc Hối từ Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong; giáo sư Jim Butterfield từ Đại học Western Michigan, Mỹ; cùng các chuyên gia Brian Harding, Matthew Funaiole, Carl W. Baker William Alan Reinsch từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 3

- Chính sách “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ và “Sáng kiến Vành đai, Con đường” của Trung Quốc có điểm gì giống và khác nhau?

Carl Thayer: BRI là chính sách đối ngoại mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu. BRI hướng đến mục tiêu kết nối Trung Quốc với lục địa Á - Âu, với khu vực Nam Thái Bình Dương, và với những quốc gia duyên hải từ phía đông bờ biển Trung Quốc đến vùng biển phía đông châu Phi, gồm nhiều nước ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Sáng kiến trị giá khoảng 1.000 tỷ USD này được đưa ra nhằm hồi sinh các tỉnh thuộc “Vành đai Gỉ sắt” (khu vực có nền kinh tế dựa vào công nghiệp) của Trung Quốc, đồng thời giúp giảm sự quá tải vật liệu xây dựng (thép và xi măng). BRI là chiến lược vĩ đại phục vụ cho tham vọng trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 4
Đồ họa: Straits Times.

Ngược lại, IPEV của Mỹ chỉ có phạm vi trong khu vực. Đây là một phần trong chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở” (Free and Open Indo-Pacific - FOIP) của Tổng thống Donald Trump. Chiến lược FOIP dựa vào nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân và hạn chế tài trợ từ chính phủ.

Với kế sách BRI, Trung Quốc tương tự một “thủ lĩnh thống trị”, các quốc gia khác chỉ tham gia với vai trò đối tác phụ thuộc. Điều này đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận của Mỹ, khi chính quyền Trump tranh thủ sự hợp tác của các đồng minh, đối tác, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.

Thành Hiểu Hà: IPEV được tạo ra để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, IPEV chỉ mới bắt đầu còn BRI đã được triển khai hơn 5 năm với nguồn lực tài chính vô cùng to lớn từ chính phủ Trung Quốc. IPEV là chương trình đa quốc gia trong khi BRI chủ yếu do một mình Trung Quốc triển khai, sự hỗ trợ từ chính phủ nước sở tại rất hạn chế.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 5

William Alan Reinsch: Sự khác biệt lớn nhất là về quy mô. Chương trình của Mỹ chỉ có 113,5 triệu USD trong khi số tiền Trung Quốc bỏ ra cho BRI lớn hơn rất nhiều. Chương trình của Trung Quốc cũng tập trung nhiều hơn vào mảng hạ tầng truyền thống trong khi chương trình của Mỹ tập trung vào kết nối số hóa và năng lượng.

Trương Bạc Hối: Việc so sánh 2 chương trình có thể cho thấy sự gia tăng về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Số tiền mà ông Pompeo công bố "như muối bỏ bể" và không có cách nào để cạnh tranh với chương trình khổng lồ mà Trung Quốc đang triển khai ở nhiều nước khác nhau. Chẳng hạn, với riêng dự án đường sắt bờ đông ở Malaysia, Trung Quốc đã trợ vốn 16 tỷ USD.

Matthew Funaiole: Viện trợ của FOIP hướng đến việc cung cấp nền tảng minh bạch và ổn định nhằm tăng cường cam kết về kinh tế. Đây là điều mà các quốc gia đang phát triển trong khu vực luôn mong muốn. Và nếu sự tiên phong của Mỹ thành công, các nước phát triển như Nhật Bản có thể sẽ xem xét đến việc cùng tham dự. Các kế sách của Mỹ được hoạch định nhằm cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện, đồng thời tăng cường đầu tư ở khu vực tư nhân. Trong đó, chính sách IPEV hướng đến mục tiêu bảo vệ và thắt chặt các quy định tự do thương mại.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 6
Tuyến đường nối tại cảng Hambantota, Sri Lanka, do Trung Quốc trợ vốn dưới chính sách BRI. 

- Trong bài phát biểu công bố kế hoạch IPEV, Ngoại trưởng Pompeo không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng đa phần người nghe đều khẳng định Bắc Kinh là “con voi lớn trong phòng”. Liệu thông điệp của Mỹ về “cạnh tranh chiến lược” có đủ sức nặng nếu Trung Quốc không được chỉ đích danh?

Carl Thayer: Dù Ngoại trưởng Pompeo không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, rõ ràng là ông vẫn ngầm nhắc đến quốc gia này khi khẳng định Mỹ cam kết với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “có chủ quyền, luật pháp và sự thịnh vượng bền vững”. Theo ông Pompeo, các lãnh đạo trong khu vực “cần ưu tiên những khoản viện trợ minh bạch, chống tham nhũng và đáng tin cậy” để bảo vệ những yếu tố trên. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời khẳng định IPEV gồm “những hợp đồng trung thực với các điều khoản trung thực và (các quốc gia) không cần thực hiện các chiêu trò giao dịch bí mật”.

Có lẽ, Ngoại trưởng Pompeo không nhắc đến Trung Quốc vì ông đang hướng đến đối tượng “người nghe” ở Đông Nam Á, trong bối cảnh kế hoạch IPEV được công bố ngay trước khi ông lên đường đến Malaysia, Singapore và Indonesia. Các nước ở khu vực này ưa chuộng đối thoại hơn đối đầu, vì vậy ông Pompeo có thể đang muốn “lấy lòng” họ bằng cách nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN hơn là tập trung vào Trung Quốc.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 7

Thành Hiểu Hà: Ông Pompeo không cần thiết phải chỉ mặt đặt tên Trung Quốc khi tất cả chúng ta đều biết IPEV được thiết kế để cạnh tranh với BRI. Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, IPEV là bước tiếp theo mà chính quyền Tổng thống Trump cần thực hiện để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực.

William Alan Reinsch: Tôi không nghĩ cần thiết phải đề cập đích danh Trung Quốc. Thực tế, quốc gia này là "con voi rất lớn trong phòng", và tất cả mọi người đều biết chính sách của Mỹ là nhằm vào đối thủ này.

Jim Butterfield: IPEV rõ ràng là chiến lược nhắm đến kế sách BRI của Trung Quốc. Nhiều khả năng IPEV được hình thành nhằm phản ứng với việc các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á cho rằng Mỹ không cam kết đủ với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ý tưởng của chính sách này là bổ sung nguồn vốn cho các gói viện trợ đa phương sẵn có tại khu vực (đặc biệt là của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ) nhằm tăng cường hội nhập. Tuy nhiên, số tiền 113 triệu USD là không nhiều.

Carl W. Baker: Chúng ta không nên trầm trọng hóa mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ về chiến lược phát triển trong khu vực. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh cách hai sáng kiến có thể bổ sung cho nhau.

Matthew Funaiole: Còn quá sớm để xem hai chính sách của Mỹ và Trung Quốc là đối trọng của nhau. FOIP không phải là chiến lược ngăn chặn (một quốc gia khác), đây là chính sách được thiết kế nhằm tăng cường hiệu quả cho các thể chế sẵn có trong khu vực, như ASEAN và APEC. Đây không phải chiến lược được đặt ra nhằm phá hoại BRI của Trung Quốc.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 8

- Một số nhà phân tích cho rằng IPEV không phải là “biện pháp đối phó” với BRI mà chỉ đơn thuần là một “cử chỉ ngoại giao”. Các chuyên gia nghĩ gì về nhận định này?

Carl W. Baker: Tôi không đồng ý với nhận định rằng IPEV chỉ là một “cử chỉ ngoại giao” của Mỹ. Với IPEV, Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp các giải pháp có lợi cho cộng đồng địa phương nhằm mở rộng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

IPEV chỉ là động thái đầu tiên nhằm đạt được kế hoạch đầy tham vọng của Mỹ dưới Đạo luật Khai thác hiệu quả đầu tư hướng đến phát triển (BUILD). Về cơ bản, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giúp nguồn vốn tư nhân tiếp cận được các dự án phát triển, đồng thời nhắm đến mục tiêu bổ trợ cho các sáng kiến đầu tư khác của Mỹ.

William Alan Reinsch: Tôi không biết mục đích của Mỹ là thế nào khi thiết kế chương trình nhưng chắc chắn đây là một cử chỉ ngoại giao vì quy mô của nó nhỏ hơn chính sách của Trung Quốc rất nhiều.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 9

Matthew Funaiole: Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã xác định đúng rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang đối mặt bài toán tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng và đang tìm cách huy động vốn đầu tư tư nhân nhằm tăng cường khả năng kết nối.

Theo một cách nào đó, chính sách BRI của Trung Quốc cũng tìm cách giải quyết những vấn đề này, dù BRI chủ yếu hướng đến những dự án phát triển cơ sở hạ tầng cứng được quỹ đầu tư của chính phủ tài trợ. Nhu cầu viện trợ của khu vực, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, vô cùng to lớn. Vì vậy, tôi cho rằng không có lý do gì cả BRI và FOIP không thể cùng hỗ trợ khu vực phát triển.

Trương Bạc Hối: Tôi nghĩ kế hoạch của Mỹ chỉ là làm bộ, có tiếng mà không có miếng. Nó giống như một dự án PR để cho thấy Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực và sẽ cạnh tranh với Trung Quốc.

- Rốt cuộc, trước một kế hoạch khổng lồ như BRI, tại sao Mỹ chỉ nêu ra một con số khiêm tốn như 113 triệu USD?

Carl Thayer: Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo hôm 30/7 phản ánh đúng tinh thần của chính sách FOIP được đề cập trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng Mỹ năm 2018. Lập trường của Mỹ là việc tài trợ cho hệ thống cơ sở hạ tầng cao cấp trong khu vực là phương án thay thế cho BRI, nhưng không đẩy Mỹ vào thế cạnh tranh với Trung Quốc. Như ông Pompeo đã nói rõ, số tiền cần thiết cho FOIP ước tính lên đến 26.000 tỷ USD. “Không một chính phủ nào có thể có số tiền ấy. Chỉ có khu vực tư nhân mới có khả năng viện trợ”, ông nói.

Số tiền 113 triệu USD giống như “tiền đặt cọc” của Mỹ cho khu vực, hướng đến việc đầu tư nhiều hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, chính sách FOIP cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ tham gia vào dự án.

Carl W. Baker: Đúng là số tiền 113 triệu USD là khá nhỏ. Nhưng IPEV không được thiết kế nhằm cạnh tranh với những dự án “khủng” và nhiều rủi ro mà Trung Quốc đang theo đuổi với kế sách BRI. Thách thức của Mỹ là làm sao sử dụng nguồn vốn ít ỏi trên để làm đòn bẩy thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Thành Hiểu Hà: Khoản tiền ban đầu mà Mỹ nêu ra là rất nhỏ nhưng sẽ tăng dần theo thời gian. IPEV và BRI cạnh tranh với nhau không chỉ về nguồn lực tài chính mà còn về quy chuẩn, luật lệ của mỗi chương trình. IPEV sẽ buộc Trung Quốc phải nâng cấp BRI trên các phương diện như tính minh bạch, tính hiệu quả và tính liêm chính. Ngoài ra, Mỹ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc công thức hóa và thực hiện những chương trình như IPEV vì từng tiến hành vô số chương trình viện trợ cho nước ngoài sau Thế chiến II.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 10
Một chuyến tàu chở hàng hóa trên vùng biển thuộc Ấn Độ Dương.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 11

- Liệu IPEV có khả thi không khi Mỹ đã để lại một khoảng trống quá lớn ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi rút khỏi thỏa thuận Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Carl Thayer: Tôi cho rằng không nên nhầm lẫn giữa IPEV và TPP. IPEV tập trung vào các hoạt động đầu tư nhằm hỗ trợ sự phát triển kinh tế của khu vực trong tương lai, còn TPP là một thỏa thuận thương mại tự do đa phương. Dù số tiền 113 triệu USD được đổ vào IPEV là khá nhỏ, nó cũng là dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang nỗ lực xây dựng các chính sách phát triển kinh tế nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Carl W. Baker: Việc Mỹ đưa ra kế hoạch IPEV không trực tiếp liên quan đến việc rút khỏi TPP trước đó. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Washington trong bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do đa phương nào tại khu vực cũng làm tăng rủi ro mà các doanh nghiệp của Mỹ phải đối mặt trong quá trình quyết định đầu tư vào khu vực.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 12

William Alan Reinsch: Tôi, cũng như của phần lớn giới quan sát ở Washington, lâu nay vẫn luôn cho rằng chiến lược đúng đắn cho Mỹ tại khu vực là TPP và Tổng thống Trump đã phạm phải sai lầm lớn khi rút khỏi hiệp định này. Sau đó ông còn làm trầm trọng thêm quyết định khó hiểu này khi không lập tức đưa ra bất cứ thứ gì để thay thế TPP. Ông hứa hẹn đàm phán song phương nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào.

IPEV là bước đi đúng đắn và cũng là nỗ lực để dẹp yên những chỉ trích rằng ông Trump đang không làm bất cứ thứ gì ở châu Á. Vì lý do đó, tôi nghĩ kế hoạch này ông sẽ thực hiện, chỉ để không phải hứng thêm chỉ trích.

Trương Bạc Hối: Biện pháp này (IPEV) có thể giúp khôi phục sự tin tưởng của đồng minh với Mỹ sau khi Trump rút khỏi TPP. Tuy nhiên, số tiền quá nhỏ đến nỗi nó cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực. Nhiều nước khác có lẽ sẽ nói Mỹ không còn có thể cạnh tranh với Trung Quốc! Nhận thức đó có thể thực sự định hình chính sách của họ với Trung Quốc.

- Để hiện thực hóa IPEV, những thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt là gì?

Carl W. Baker: Thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt đó là cân bằng giữa những dự án có khả năng thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp tư nhân và các dự án quan trọng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần nhiều cam kết về mặt tài chính.

Brian Harding: Sự thiếu vắng một chính sách thương mại nhất quán tại châu Á là thử thách lớn của Washington. Việc rút khỏi thỏa thuận TPP gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho vị thế của Mỹ tại khu vực.

Jim Butterfield: Chính quyền của Tổng thống Trump từ lâu đã gặp khó khăn trong việc cất tiếng nói chung. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu hụt một chính sách nhất quán, nhưng cũng bởi vì Tổng thống Trump không thể hành động kiên định, ông thường xuyên rút lui giữa chừng hoặc thay đổi ý định. Không những thế, vị tổng thống còn liên tục thay đổi nhân sự. Vì vậy, chúng ta khó có thể biết được “kỷ nguyên mới về cam kết kinh tế của Mỹ với nền hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” sẽ kéo dài bao lâu.

Từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã “vật lộn” với việc đề ra một chính sách đối ngoại nhất quán với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (trên thực tế thì ông chẳng có bất kỳ chính sách đối ngoại nhất quán ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới). Ông vội vàng rút Mỹ khỏi thỏa thuận TPP dựa trên tình hình chính trị trong nước và vì những cam kết đã đưa ra khi thực hiện chiến dịch tranh cử. Khi ấy, hẳn là vị tổng thống chưa suy nghĩ thấu đáo về cán cân quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giờ đây, chính quyền của ông gặp khó khăn trong việc đưa ra chính sách đối với các nước trong khu vực, trong khi trước đó từng thể hiện sự không nghiêm túc trong cam kết đối với khu vực.  

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 13

Vùng Nam Á và Đông Nam Á gần như chưa bao giờ là ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Trump. Vị tổng thống thường tìm kiếm những thắng lợi ngắn hạn, hay chính xác hơn là những kết quả mà ông có thể tuyên bố là “thắng lợi”, và không sẵn sàng suy nghĩ đến tương lai xa. Điều này hoàn toàn đối lập với một Trung Quốc vô cùng xuất sắc trong việc vạch kế hoạch dài hạn.

Thành Hiểu Hà: Tổng thống Trump thích song phương hơn đa phương và muốn những khoản đầu tư ở nước ngoài của mình sinh lợi. Xét về bản chất, IPEV là chương trình đa phương có lẽ sẽ không mang lại lợi nhuận ngắn hạn sớm nhất có thể. Vì vậy, thách thức lớn là làm sao để triển khai chương trình này trong cảnh đi ngược lại mong muốn của ông Trump.

IPEV cũng đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ, Mỹ lại không có quá nhiều tiền hoặc không sẵn sàng bỏ ra quá nhiều tiền. Do đó, việc làm sao để đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định và vững chắc là một thách thức khác đối với IPEV.

- Kế hoạch IPEV có nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế đa phương như ASEAN hay không? Và liệu ASEAN sẽ đóng vai trò gì trong quá trình Mỹ triển khai kế hoạch này?

Carl Thayer: Tổng thống Trump thích cách tiếp cận song phương về mặt thương mại. Tuy nhiên, ông và các thành viên trong nội các cũng thường xuyên tuyên bố ủng hộ các cơ chế đa phương như ASEAN. Mỹ và ASEAN đã hình thành mối quan hệ chiến lược, điều này rất có lợi cho việc thực hiện IPEV.

Điều quan trọng ở đây là chất lượng đầu tư, không phải số tiền đầu tư. Trung Quốc hay Mỹ sẽ thành công hơn trong khu vực? Điều đó phụ thuộc vào sự phát triển bền vững của các nước là đối tượng của hai sáng kiến.

Brian Harding: Dù chính quyền của Tổng thống Trump thích các thỏa thuận song phương, Mỹ chưa bao giờ bác bỏ sự quan trọng của các cơ chế đa phương như ASEAN. Việc hợp tác với các nước thành viên ASEAN luôn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á. Theo tôi, đây không chỉ là cách tiếp cận đúng đắn mà còn mang nhiều tính thực tiễn.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 14

Matthew Funaiole: Tôi muốn nhấn mạnh rằng kế hoạch FOIP của chính quyền Trump khá tương đồng với các chính sách đối ngoại trong khu vực châu Á của các đời tổng thống trước. Các chính sách này đều hướng đến sự phát triển hòa bình trong khu vực và duy trì sự cởi mở trong thương mại và trao đổi thông tin.

Các chiến lược được Mỹ đề ra cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tương đối nhất quán. FOIP là nỗ lực nhằm thể chế hóa những nguyên tắc củng cố trật tự quốc tế và hướng đến việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ, điều được cho là một trong những cách thức giúp Mỹ gây ảnh hưởng đến khu vực.

Jim Butterfield: Hiện khó để nói ASEAN sẽ đóng vai trò gì trong việc thực thi IPEV vì chính sách này chưa được áp dụng. Tuy nhiên, các quan chức mong muốn cam kết mạnh mẽ hơn với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn hiểu sự quan trọng của ASEAN. Nhưng cũng phải khẳng định rằng không phải ai cũng nghĩ như vậy, trong đó có Tổng thống Trump, người luôn nghi ngờ về sự hữu ích các tổ chức đa phương.

Thành Hiểu Hà: ASEAN sẽ là người hưởng lợi lớn nhất từ IPEV và BRI. Khi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc nóng dần lên, ASEAN có thể sẽ thấy khó khăn trong việc duy trì cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc.

William Alan Reinsch: Còn quá sớm để nói. Tổng thống Mỹ đã thể hiện rõ ràng là ông thích đàm phán song phương hơn nhưng có thể ông đang dần dần tiếp nhận ý tưởng rằng có một vai trò thích hợp hơn cho những cơ chế đa phương như ASEAN. Dù vậy, đến nay tôi vẫn chưa thấy nhiều bằng chứng cho điều này.

Trương Bạc Hối: Tôi không nghĩ ASEAN có bất cứ vai trò nào ở đây. Chương trình của Mỹ sẽ được áp dụng trong bối cảnh song phương giữa Mỹ và một nước khác.

Sang kien An Do Duong - Thai Binh Duong cua My anh 15

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, là người có nhiều năm theo dõi tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Carl W. Baker, giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông từng làm việc trong Không quân Mỹ và sinh sống một thời gian dài ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Philippines.

Phó giáo sư Thành Hiểu Hà, giảng dạy tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là ngoại giao Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Triều Tiên.

Ông William Alan Reinsch, cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ thời Bill Clinton, hiện là Chủ tịch Scholl về Kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., Mỹ. Ông từng có 15 năm làm việc tại Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc quốc hội Mỹ, nơi chịu trách nhiệm giám sát và điều tra các vấn đề an ninh quốc gia và thương mại giữa hai nước.

Tiến sĩ khoa học chính trị Trương Bạc Hối, giảng viên Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong. Ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc trường này, với mối quan tâm dành cho chính trị Trung Quốc, quan hệ quốc tế tại Đông Á.

Giáo sư Jim Butterfield, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Western Michigan, Mỹ, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế.

Chuyên gia Brian Harding, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từng là cố vấn cho chính phủ Mỹ về các vấn đềchính trị ở khu vực Đông Nam Á.

Tiến sĩ Matthew Funaiole, thành viên Dự án Thế lực Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). 

Mỹ cam kết 300 triệu USD cho an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố khoản đóng góp 300 triệu USD của Mỹ cho hợp tác đảm bảo an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Mỹ đối phó 'Vành đai, Con đường' của TQ bằng kế hoạch đầu tư lớn

Mỹ muốn thúc đẩy cơ sở hạ tầng châu Á - Thái Bình Dương thông qua chương trình đầu tư mới, giữa lúc Washington đang lo ngại về chính sách đầu tư quyết liệt của Bắc Kinh.


Vũ Mạnh - Chi Mai

Đồ họa: Như Ý - Ảnh: New York Times

Bạn có thể quan tâm