Đại sứ Piper Campbell, Đại biện Lâm thời tại Phái đoàn Ngoại giao Mỹ ở ASEAN, ngày 7/8 đã nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc duy trì an ninh ở khu vực thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và "nước Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương".
Phát biểu của bà Campbell được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mike Pompeo tuần qua vừa công bố xúc tiến sáng kiến Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEV) trong bài phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp khu vực, dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã chậm chân so với Trung Quốc, đặc biệt khi sáng kiến Vành đai, Con đường đã được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 và có quỹ đầu tư hàng trăm tỷ USD.
Nhấn mạnh quan hệ công bằng
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về khả năng tác động của IPEV trên thực tế, Đại sứ Campbell cho biết quỹ đầu tư 113,5 triệu USD trong sáng kiến mới sẽ hỗ trợ cả 3 lĩnh vực “nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng” của khu vực.
Bà nhấn mạnh sáng kiến thể hiện lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump là xây dựng quan hệ thương mại công bằng giữa các bên.
Đại sứ Piper Campbell, Đại biện Lâm thời tại Phái đoàn Ngoại giao Mỹ ở ASEAN. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
“Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Mỹ cam kết xây dựng mối quan hệ thương mại công bằng và có qua có lại, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế với ASEAN và toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây vừa là sự đầu tư chiến lược và tăng tham gia kinh tế ở khu vực, vừa giúp Mỹ tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm”, bà nói.
“Bắt đầu với các phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Diễn đoàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đến các cuộc gặp trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Singapore, rồi kết thúc bằng chuyến thăm tại Jakarta. Những diễn biến trong suốt tuần qua là minh chứng cho thấy Mỹ đang tăng cường tham gia vào khu vực, tiếp tục nhìn nhận ASEAN là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, đại sứ cho biết trong buổi họp báo qua điện thoại nhân dịp ASEAN chuẩn bị kỷ niệm 51 năm ngày thành lập vào ngày 8/8.
"Chào đón các quốc gia tôn trọng luật pháp"
Bên cạnh đó, bà khẳng định Mỹ muốn thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
“Chiến lược tiếp cận khu vực cũng nhằm hỗ trợ những quốc gia có chủ quyền tránh sự cưỡng ép từ bên ngoài”, bà nhận định.
Đại sứ nói chiến lược của Mỹ tại khu vực luôn sẵn sàng chào đón những quốc gia tôn trọng luật pháp và các nguyên tắc quốc tế. “Tôi nghĩ rằng những nước cùng làm việc với nhau dựa trên các nguyên tắc chung mới có thể thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển nhanh”, bà cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 3/8. Ảnh: AFP. |
Nhận định về những diễn biến vừa qua trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), bà Campbell cho rằng văn kiện này cần đảm bảo cam kết tôn trọng những nguyên tắc quốc tế như tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển khu vực.
Bà cho biết Washington sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến kế tiếp.
“Trong những khuôn khổ như đàm phán COC, điều quan trọng là không nước nào được quyền gây áp lực cho các nước còn lại”, bà cảnh báo.
“Mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải có cơ hội đảm bảo các yếu tố lợi ích quốc gia, cũng như các nguyên tắc quốc tế mà cụ thể là những điều đã được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đặt ra”, bà nói thêm.
Đại sứ cho biết Washington rất quan ngại trước các hoạt động quân sự hóa đang tiếp diễn ở Biển Đông.
“Mỹ đề nghị có một sự giải thích rõ ràng về các hành động trên thực địa và liệu chúng có phù hợp với những nguyên tắc chung mà các nước trong khu vực đã đưa ra hay không”, bà nhấn mạnh.
“Chúng tôi cho rằng cần phải đảm sự tự do trên các vùng trời và vùng biển để phát triển một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, đại sứ Mỹ tuyên bố.