Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN ngày 2/8 đã tham gia các phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM-51). Trước đó, vào tối ngày 1/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có Buổi ăn tối làm việc. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động nói trên.
Tại các phiên họp, các Bộ trưởng đã trao đổi sâu rộng về những chuyển
biến trong tình hình thế giới và khu vực, nhận diện thách thức và tác động tới ASEAN, trên cơ sở đó thống nhất về nhiều phương hướng, biện pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác và ứng phó hữu hiệu với những thách thức đặt ra.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự hội nghị AMM-51. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Những tiến triển và sáng kiến mới
Về hợp tác ASEAN, Hội nghị nhất trí tiếp tục nỗ lực bảo đảm thực hiện
hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 cùng các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột, thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối cũng như gắn kết các kế hoạch này với Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững 2030.
Trước những bất ổn, căng thẳng thương mại hiện nay trên thế giới, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần củng cố sức mạnh nội tại thông qua các biện pháp gia tăng hơn nữa thương mại - đầu tư nội khối, liên kết kinh tế khu vực.
Trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo, hội nghị ghi nhận những tiến triển đã đạt trong việc triển khai những mục tiêu, sáng kiến đã thoả thuận, trong đó có việc khai trương Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN, hợp tác bảo đảm an ninh mạng và hài hoà khuôn khổ pháp luật.
Trước tình hình thiên tai, thảm hoạ liên tiếp xảy ra trong khu vực, trong đó có vụ vỡ đập thuỷ điện tại Lào, các Bộ trưởng nhất trí cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó có việc củng cố và phát huy vai trò của Trung tâm Điều phối ASEAN về Quản lý thiên tai và cứu trợ nhân đạo (Trung tâm AHA).
Về quan hệ đối ngoại, Hội nghị hài lòng ghi nhận hợp tác giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục đạt nhiều tiến triển tích cực và nhất trí cần đưa các quan hệ này phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, các Bộ trưởng đồng ý xây dựng Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - Trung Quốc 2030 để thông qua tại Cấp cao ASEAN - Trung Quốc 21 (tháng 11/2018), tổ chức kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản dịp Cấp cao ASEAN - Nhật lần thứ 21 (tháng 11/2018) và họp Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 4 vào cuối năm nay.
Về cấu trúc khu vực, các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm, hoạt động dựa trên các nguyên tắc mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ; trên cơ sở đó sẽ xem xét và tìm cách gắn kết những sáng kiến hợp tác khu vực khác dựa trên lợi ích, nguyên tắc chung và lĩnh vực hợp tác cùng có lợi.
Giữ vững đoàn kết vì hòa bình và an ninh
Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục giữ vững đoàn kết, tự cường và vai trò chủ đạo trong các vấn đề liên quan tới hoà bình và an ninh; phát huy các nguyên tắc, chuẩn mực chung cũng như tăng cường các công cụ, cơ chế đối thoại và hợp tác nhằm ứng phó hữu hiệu với thách thức đang nổi lên. Nhân dịp này, các Bộ trưởng đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Argentina và Iran tham gia.
Về tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của
hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực.
Theo đó, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono bên lề hội nghị AMM-51 và ARF 2018. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Về Bộ Quy tắc ứng xử (COC), các Bộ trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC.
Trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và kiềm chế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển nhiều mặt trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Trước những chuyển biến nhanh chóng, khó lường trong cục diện khu vực và quốc tế, Phó thủ tướng đề nghị ASEAN cần chú trọng hơn vào hợp tác nội khối, trong đó cần có các biện pháp cụ thể để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư nội khối, đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối.
Về các vấn đề hoà bình và an ninh, Phó thủ tướng đề nghị ASEAN cần giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao năng lực tập thể để có thể ứng phó hữu hiệu với các thách thức đặt ra. Về vấn đề Biển Đông, Phó thủ tướng chia sẻ quan ngại về những hoạt động gần đây trên thực địa, trong đó có các hoạt động quân sự hoá, ảnh hưởng tới hoà bình, an ninh ở khu vực cũng như tin cậy giữa các nước; theo đó, đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, tuân thủ các nguyên tắc và cam kết đã thoả thuận, trong đó có nghĩa vụ quy định trong DOC, duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC.