Theo thống kê của chính phủ Mỹ, sự mất cân bằng trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc, Mexico và Liên minh châu Âu vẫn lên mức cao nhất trong năm 2018 bất chấp việc Washington áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ các đối tác này.
Tổng thống Trump luôn coi thâm hụt thương mại (nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu) là thất bại với Mỹ và đặt mục tiêu loại bỏ tình trạng này, nhưng tổng thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng 10,4% lên mức kỷ lục 891,3 tỷ USD năm 2018, hãng thông tấn AFP đưa tin.
Thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2018 đã tăng lên mức kỷ lục trong 10 năm, thách thức lớn cho chính sách chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP. |
Con số này được công bố giữa lúc các quan chức Mỹ và Trung Quốc được cho là sắp đạt được thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại. Bắc Kinh dự kiến sẽ mua nhiều hàng nông nghiệp của Mỹ để làm vừa lòng ông Trump, theo AFP.
Trong khi đó, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, tính cả hàng hóa lẫn dịch vụ, năm 2018 cũng đã tăng 12,5% lên 621 tỷ USD, cũng là mức kỷ lục.
Năm 2018, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhu cầu cao với các sản phẩm ngoại khiến nhập khẩu tăng kỷ lục, còn xuất khẩu dù cũng tăng nhưng không đủ để kiềm chế thâm hụt thương mại.
Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc và châu Âu cũng khiến Mỹ khó xuất khẩu hàng hóa hơn.
Ông Trump bác bỏ quan điểm truyền thống về thương mại, vốn cho rằng thâm hụt thương mại chưa hẳn đã là tiêu cực đối với một nền kinh tế, vì điều đó cho phép người dân tiếp cận được hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, cũng như tạo thêm công ăn việc làm, theo AFP.
Nhà Trắng cho rằng thâm hụt thương mại lấy mất hàng nghìn việc làm. Thế nhưng, theo AFP, trong khi thuế quan sẽ trợ lực một số công ty, nhiều doanh nghiệp khác phải chịu giá cả cao hơn và sẽ ngừng đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Một số công ty thậm chí phá sản hoặc sa thải nhân công do hậu quả của cuộc chiến thuế quan.