Ông Pompeo đã đến New Delhi hôm 26/10 cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, để tham dự đối thoại chiến lược hàng năm với Ấn Độ giữa lúc căng thẳng gia tăng tại khu vực. Quân đội Ấn Độ đang đối đầu với lực lượng Trung Quốc ở biên giới tranh chấp tại vùng núi Himalaya.
"Hôm nay là cơ hội mới để hai nền dân chủ lớn như chúng ta xích lại gần nhau hơn", ông Pompeo nói trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh hôm 27/10, theo Reuters.
"Chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận hôm nay: hợp tác của chúng ta trong đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, đương đầu với những mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh và tự do nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực", ông Pompeo nói, nhấn mạnh rằng nơi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc là nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19.
Trong lúc Mỹ đang là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 và chính quyền bị chỉ trích đã không ứng phó được đại dịch, các quan chức chính quyền Mỹ hiện tại cùng tổng thống thường xuyên đổ lỗi cho Trung Quốc đã giấu dịch thời gian đầu, khiến virus lây lan nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại New Delhi hôm 27/10. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, xem đây là một phần quan trọng trong chiến dịch tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, với cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào tuần tới. Ông Pompeo đang cố gắng thúc đẩy các đồng minh chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
Ấn Độ cũng có những vấn đề riêng với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.
Vào tháng 6, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở Himalaya. Sự việc làm gia tăng tâm lý chống Trung Quốc ở Ấn Độ và thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ.
Trong tháng này, Ấn Độ đã mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân mà nước này tổ chức hàng năm với Mỹ và Nhật Bản, bất chấp lo ngại của Trung Quốc rằng cuộc tập trận gây bất ổn tại khu vực.
"Trọng tâm của chúng tôi bây giờ phải là thể chế hóa và chính quy hóa hợp tác của chúng tôi để đáp ứng những thách thức trước mắt và duy trì các nguyên tắc về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trong tương lai", ông Esper nói.
Trong ngày 27/10, hai bên dự kiến ký một thỏa thuận quân sự cho phép Ấn Độ tiếp cận dữ liệu bản đồ và vệ tinh tiên tiến của Mỹ để đáp ứng tốt hơn về độ chính xác đối với tên lửa và máy bay không người lái.