"Ấn Độ mong muốn gia tăng hợp tác với các nước về an ninh hàng hải. Với tinh thần tăng cường hợp tác quốc phòng cùng Australia, Malabar 2020 sẽ có sự tham gia của Hải quân Australia", Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 19/10 ra thông cáo về cuộc tập trận hải quân thường niên do nước này chủ trì.
Thông tin được đưa ra giữa bối cảnh quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng. Giữa năm 2020, lực lượng hai nước đã đụng độ đẫm máu tại vùng tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Một số vụ đụng độ vẫn xảy ra trong những tháng sau nhưng không có thông tin về thương vong.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài trên nhiều phương diện, từ Covid-19, thương mại, an ninh, công nghệ đến các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Quan hệ Australia với Trung Quốc cũng xấu đi trong nhiều tháng qua về thương mại, ngoại giao và cáo buộc can thiệp chính trị.
Thủy thủ diễn tập trên tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam phối hợp cùng tàu tiếp dầu INS Shakti của Ấn Độ trong tập trận Malabar 2019. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Một cấp độ mới"
Cuộc tập trận Malabar đầu tiên diễn ra vào năm 1992 với sự tham gia của hải quân Mỹ. Đến năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tham gia liên tục mỗi năm. Đợt tập trận năm 2018 đã diễn ra ngoài khơi đảo Guam gần vùng biển Philippines, và năm tiếp theo diễn ra ngoài khơi Nhật Bản. Lần gần nhất Australia tham dự là năm 2007.
Cuộc tập trận năm 2020 sẽ được tổ chức ở vịnh Bengal và biển Arab. Hải quân 4 nước dự kiến có các hoạt động "tăng cường an toàn và an ninh trên phương diện hàng hải".
"Năm nay, cuộc tập trận được lên kế hoạch cho mô hình 'không tiếp xúc trên biển' và sẽ củng cố phối hợp giữa hải quân các nước thành viên", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, và nói thêm rằng cả 4 nước cùng ủng hộ "một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và mang tính bao trùm, tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ca ngợi thông báo này là "một bước đi quan trọng" trong việc thắt chặt quan hệ Canberra - New Delhi.
"Hoạt động sẽ tăng cường năng lực của Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ để cùng hợp tác gìn giữ hòa bình và ổn định trên toàn khu vực của chúng ta", bà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cũng đánh giá "những cuộc diễn tập quân sự cao cấp như Malabar là chìa khóa để củng cố năng lực hàng hải cho Australia, xây dựng năng lực phối hợp với những đối tác thân thiết, và chứng tỏ quyết tâm chung trong hỗ trợ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở nên mở và thịnh vượng".
Pankaj Jha, cựu Phó giám đốc Hội đồng Thư ký An ninh Quốc gia Ấn Độ, đánh giá việc Australia nhận lời mời tham dự Malabar "đã thể hiện rõ Australia muốn củng cố cam kết với 'Bộ tứ'". Ông nhấn mạnh diễn tập quân sự Malabar đã bước lên "một cấp độ mới".
"Đây không phải là cuộc diễn tập đơn giản. Trong các lần trước, chúng ta đã thấy mô hình tác chiến chống tàu ngầm tinh vi. Máy bay do thám và máy bay trinh sát đều được triển khai. Giờ đây, với sự tham gia của Australia, cùng với thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (giữa 4 nước), về mặt kỹ thuật điều này thể hiện 'Bộ tứ' đang dành sự ưu tiên rất cao cho cả 2 khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương", ông đánh giá.
Vào tháng 9, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký thỏa thuận tương hỗ về vật tư và dịch vụ cho lực lượng vũ trang hai nước, chỉ vài tháng sau khi New Delhi ký thỏa thuận tương tự với Tokyo. Mỹ và Ấn Độ cũng đã có thỏa thuận với cùng tính chất.
Tàu đổ bộ cỡ lớn USS Wasp của Mỹ cập cảng Brisbane, Australia, cho cuộc tập trận Talisman Sabre 2019. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hàm ý Trung Quốc
Sameer Lalwani, Giám đốc mảng Nam Á tại Trung tâm Stimson (Washington), nhận định việc Australia tham gia Malabar "đã được trông đợi rất nhiều và cũng là tín hiệu tích cực cho thấy 'Bộ tứ' sẽ bắt đầu cùng nhau hoạt động chứ không chỉ gặp mặt".
"Đây cũng là tín hiệu thuyết phục rằng cơ chế quốc phòng của Mỹ sẽ còn tiến xa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xét trên phương diện đa phương, bất chấp tình hình bầu cử căng thẳng và giai đoạn chuyển giao chính phủ", ông nói.
"Tuy nhiên, tác động của Malabar đối với an ninh và răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào tần suất, sự ổn định và mức độ tinh vi của những cuộc diễn tập cùng các hoạt động khác của 'Bộ tứ'", ông lưu ý.
"Trung Quốc sẽ không hài lòng với tuyên bố mới này, nhưng có thể họ không quá lo ngại. Các chiến lược gia của Trung Quốc có vẻ đang đánh cược vào một giới hạn cao hơn của mô hình đối tác 4 nước. Họ chỉ bắt đầu lo ngại khi quy mô quan tâm của nhóm trở nên cụ thể hơn và các cam kết được siết chặt hơn", ông Lalwani cho biết.
Bắc Kinh từng ví von "Bộ tứ" là "bọt biển" và sẽ sớm tan rã. Tuy nhiên, theo Jha, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây có thêm lý do để lo ngại về nhóm hợp tác an ninh do Mỹ dẫn dắt.
"'Bộ tứ' giờ đây có độ bao phủ chiến lược rộng hơn và sẽ được củng cố quyết liệt hơn", ông lưu ý.
Đầu tháng 10, các nhà ngoại giao 4 nước đã có cuộc gặp ở Tokyo, nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng hợp tác cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn chung cho toàn khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh việc đại biểu cả 4 nước đến Tokyo bất chấp bối cảnh đại dịch "là minh chứng cho tầm quan trọng của cuộc tham vấn này, đặc biệt trong thời điểm hiện nay".
"Là những nền dân chủ chia sẻ chung nhiều giá trị, chúng ta cùng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và mang tính bao trùm", ông cho biết.
"Chúng ta duy trì cam kết gìn giữ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, với nền tảng là nền pháp quyền, minh bạch, tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền, và giải quyết một cách hòa bình các xung đột", ông tuyên bố.