Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ tìm cách thể chế hóa nhóm Bộ Tứ để đối phó Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gợi ý hợp tác của nhóm Bộ Tứ - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - có thể được chính thức hóa và mở rộng ra khỏi khuôn khổ đối thoại quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo muốn chính thức hóa và có khả năng mở rộng nhóm đối thoại an ninh "Bộ Tứ" với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, ông nói với Nikkei Asia trong cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 6/10.

"Một khi chúng tôi thể chế hóa những gì chúng tôi đang làm - cả bốn chúng tôi kết hợp lại - chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng khuôn khổ an ninh thực sự", ông Pompeo nói khi đang ở Tokyo tham dự hội nghị ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ hôm 6/10. Ông gọi mạng lưới này là một "kết cấu" có thể "chống lại thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho tất cả chúng ta".

Các quốc gia khác, ông gợi ý, có thể trở thành một phần của kết cấu đó vào "thời điểm thích hợp".

my tim cach the che hoa nhom bo tu anh 1

(Từ trái qua) Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp tại Tokyo hôm 6/10. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Hướng đi tương lai của Bộ Tứ

Đây là hội nghị thứ hai của ngoại trưởng các nước Bộ Tứ sau cuộc gặp đầu tiên ở New York vào năm 2019, và cũng là mục đích chính trong chuyến thăm Nhật Bản của ngoại trưởng Mỹ. Ông vốn dự định ghé cả Hàn Quốc và Mông Cổ trong chuyến đi, nhưng lịch trình đã bị rút ngắn sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc Covid-19.

Ông Pompeo cho biết ông đã nói chuyện với ông Trump trong một giờ rưỡi trước khi bay đến châu Á và tổng thống "có vẻ có tinh thần tốt". "Tôi tin rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục được triển khai theo cách đã có 3 năm qua", ngoại trưởng Mỹ nói.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh chính sách trọng tâm của ông Trump là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và mở". Và ông cho biết nhóm Bộ Tứ "đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh là rất hữu ích" trong việc thúc đẩy mục tiêu đó, với các mối quan hệ vượt xa khía cạnh an ninh theo nghĩa thông thường.

"Hãy nhớ rằng, khi người ta nói về an ninh, người ta nói về năng lực kinh tế và pháp quyền, khả năng bảo vệ tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại, các mối quan hệ ngoại giao, tất cả yếu tố hình thành nên một khuôn khổ an ninh. Không chỉ là quân sự mà còn sâu sắc hơn vậy", ông nói.

Phát biểu của ông có thể là gợi ý để giải quyết khó khăn trong việc chính thức hóa một cấu trúc Bộ Tứ chỉ tập trung vào quan hệ quân sự. Nhật Bản, theo cách tái diễn giải hiến pháp hòa bình vào năm 2014, chỉ có thể nhờ đến sự trợ giúp của một đồng minh như Mỹ khi an ninh của chính họ bị đe dọa. Mặt khác, NATO yêu cầu phòng thủ tập thể, nghĩa là các thành viên phải bảo vệ lẫn nhau bất kể bản thân họ có bị tấn công hay không.

Trong khi đó, Ấn Độ nổi tiếng là thích tự chủ về chiến lược và đã rút khỏi các khuôn khổ quốc tế như hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang được đàm phán.

my tim cach the che hoa nhom bo tu anh 2

Ngoại trưởng các nước Bộ Tứ gặp nhau tại Tokyo hôm 6/10. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Ngay từ khi hình thành vào năm 2007, dù trên danh nghĩa không chính thức, Bộ Tứ đã được coi là đối trọng cho sự nổi lên của Trung Quốc. Ý tưởng này nhanh chóng mất sức hút nhưng đã được hồi sinh vào năm 2017 khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại và công nghệ với Bắc Kinh.

Các cuộc thảo luận cho đến nay tập trung vào những vấn đề như an ninh trên biển và mạng 5G, và lần này việc đối phó với Covid-19 được thêm vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, bản chất lỏng lẻo, không chính thức của nhóm đã đặt ra câu hỏi về triển vọng hợp tác cụ thể và dài lâu. Trước chuyến đi của ông Pompeo tới Tokyo, David R. Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, nói với các phóng viên rằng "việc tham gia Bộ Tứ được thúc đẩy bởi lợi ích chung chứ không phải nghĩa vụ ràng buộc".

Chống lại hành động "bắt nạt"

Song cả 4 quốc gia đều tỏ ra cảnh giác với các động thái gần đây của Trung Quốc - từ việc cho máy bay quân sự quần thảo gần Đài Loan và điều tàu đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản, đến việc thiết lập tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đã căng thẳng sau khi quân đội hai nước đụng độ dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hồi tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc cũng tiếp tục sứt mẻ khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa của Australia bao gồm thịt bò, lúa mạch và than đá sau khi Canberra kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona.

Ông Pompeo nói rằng các hành động của Trung Quốc tại khu vực là "bắt nạt".

"Đây là việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh để cưỡng bách. Đây không phải là cách các nước lớn vận hành. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là giảm thiểu chuyện đó", ông nói.

my tim cach the che hoa nhom bo tu anh 3

Ông Pompeo trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hôm 6/10 tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo. Ảnh: Nikkei.

Khi được hỏi trực tiếp về Đài Loan, ông Pompeo cho biết Mỹ hướng đến việc giảm căng thẳng ở eo biển. "Chúng tôi mong muốn mang lại hòa bình chứ không phải xung đột", ông nói, nhưng khẳng định "sự nhượng bộ không phải là câu trả lời".

"Nếu ai đó khuỵu gối mỗi khi Trung Quốc hành động trên khắp thế giới, họ sẽ nhận ra mình phải khuỵu gối rất nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi đã chống trả một cách nghiêm túc cùng các đối tác ngoại giao của mình", ông nói.

Sự chống trả đó bao gồm việc Hải quân Mỹ điều hai tàu sân bay đến Biển Đông để tập trận vào tháng 7 - lần đầu tiên hai tàu hội tụ ở khu vực này kể từ năm 2014. Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt cuộc tập trận, giống như đã lên án nhóm Bộ Tứ, coi đây là nỗ lực kiềm chế sự phát triển của họ.

"Thay vì hình thành các hội nhóm độc quyền, hợp tác đa phương nên cởi mở, toàn diện và minh bạch", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 29/9 đề cập đến cuộc gặp của nhóm Bộ Tứ. "Thay vì nhắm vào các bên thứ ba hoặc làm tổn hại lợi ích của các bên thứ ba, hợp tác nên có lợi cho sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực".

Song ông Pompeo cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời tìm cách thể hiện Mỹ là đối tác đáng tin cậy hơn.

my tim cach the che hoa nhom bo tu anh 4

Tàu sân bay USS Ronald Regan (trên) và USS Nimitz được triển khai tới Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Trước đó trong ngày 6/10, ông đã gặp trực tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt của hai nước dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga, người vừa nhậm chức hồi tháng 9, kế nhiệm ông Shinzo Abe.

Hai ngoại trưởng cũng nhất trí về sự cần thiết phải có một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, xem đây là "nền tảng" cho sự ổn định tại khu vực, trong đó quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là "trụ cột" của nền tảng này.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Pompeo đã nhấn mạnh khái niệm của Mỹ về "Mạng lưới Sạch" (Clean Network) như một trong những lĩnh vực hợp tác với Nhật Bản.

"Tôi muốn đảm bảo rằng công dân Nhật Bản không để dữ liệu của họ nằm trong tay của Trung Quốc", ông nói. "Đây là điều mà mọi quốc gia đều mong muốn, cho dù là Mạng lưới Sạch hay việc chúng tôi chống lại các doanh nghiệp [có liên kết với nhà nước] như Huawei".

Ông nhấn mạnh Mỹ làm theo cách khác.

"Chúng tôi sẽ làm việc với bạn bè của mình như một phần của Bộ Tứ, chúng tôi sẽ tạo ra một tập hợp quan hệ toàn diện", ông nói. "Kiểu quan hệ hình thành vì sự gắn bó nồng ấm giữa người Mỹ và người Nhật. Những điều đó cho phép chúng tôi làm việc cùng nhau theo những cách mà Trung Quốc không bao giờ có thể sánh được".

Ngoại trưởng Mỹ lên án 'hoạt động ác ý' của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo về "hoạt động ác ý" của Bắc Kinh tại khu vực trong nỗ lực xây dựng mặt trận thống nhất để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Trung Quốc phủ bóng cuộc họp ngoại trưởng 'Bộ tứ Kim cương'

Ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thảo luận về sáng kiến tăng tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữa bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày một quyết liệt.

Ngoại trưởng Mỹ rút ngắn chuyến đi châu Á sau khi ông Trump nhập viện

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ khởi hành đến Nhật Bản vào ngày 5/10. Tuy nhiên, ông không đến Mông Cổ và Hàn Quốc như kế hoạch ban đầu.

Đông Phong

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm