Trước các nước G20, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố cần có một thể chế quốc tế "hiệu quả, có trách nhiệm". Trong khi đó, Trung Quốc phản đối những lời kêu gọi sáo rỗng của các nước về chủ nghĩa đa phương hay khả năng tích trữ vaccine.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói nhóm G20 cần một “thể chế đa phương mạnh mẽ”, nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng như đại dịch hay an ninh khí hậu.
“Chúng ta cần hợp tác và chúng ta cần làm điều đó một cách hiệu quả”, South China Morning Post dẫn lời ông Blinken trong cuộc họp ở Italy hôm 29/6. “Chủ nghĩa đa phương là công cụ duy nhất khiến mục tiêu này khả thi”.
Ông Anthony Blinken đang đến thăm và làm việc ở nhiều nước châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Italy và Vatican. Đây là một phần nỗ lực của Mỹ, nhằm thúc đẩy các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và phát huy cơ chế hợp tác trước Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng tham gia cuộc họp trực tuyến của các nước G20. Ông khẳng định các nước thành viên cần duy trì chủ nghĩa đa phương, nỗ lực xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở.
Ông Vương Nghị nêu nhiệm vụ của G20 là tránh “phá vỡ thị trường toàn cầu, chính trị hóa các cơ chế hợp tác và thống trị hệ tư tưởng theo các quy tắc và tiêu chuẩn”. Ông nói: “Chúng ta cần theo đuổi xu hướng cởi mở, hòa nhập và phản đối việc tách biệt, bài xích”.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters. |
Phía Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh sự đóng góp của hai nước vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Washington mới cam kết tài trợ thêm 580 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho chương trình COVAX, trong khi Trung Quốc đã cung cấp hơn 450 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia.
Hai nước đều ủng hộ việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19.
Bên lề cuộc họp G20, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ họp song phương với những người đồng cấp từ Nhật Bản, Arab Saudi, Ấn Độ và Argentina. Song ông không có cuộc họp nào với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Cuộc họp ở bang Alaska, Mỹ, hồi tháng 3 là lần cuối cùng ông Anthony Blinken và ông Vương Nghị thảo luận trực tiếp. Cả hai đã có cuộc trò chuyện căng thẳng khi tranh cãi về các vấn đề như nhân quyền, thương mại và trật tự quốc tế.