Tuyên bố trên được ông Di Maio đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken tại thủ đô Rome vào hôm 28/6.
Trong tuyên bố của mình, ông Di Maio đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc không thể so sánh được với mối quan hệ mật thiết của nước này với Mỹ hay các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Mối quan hệ giữa Italy với các đồng minh như Mỹ, EU hay NATO không chỉ là một mối quan hệ chiến lược, nó còn là một liên minh giữa những quốc gia có chung giá trị cốt lõi như dân chủ hay nhân quyền", ông Di Maio nhấn mạnh trong cuộc họp báo.
Ông Luigi Di Maio (phải) trong cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken. Ảnh: Politico. |
Trong những năm gần đây, Mỹ đã bày tỏ những sự quan ngại về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Italy và Trung Quốc. Mối quan ngại này lại được nhắc tới sau khi Italy trở thành quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vào năm 2019. Ông Di Maio trên cương vị Bộ trưởng Phát triển kinh tế lúc bấy giờ cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định trên của Italy.
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Italy đối với Trung Quốc đã có những thay đổi lớn sau khi ông Mario Draghi được bầu làm thủ tướng Italy vào tháng 2. Là nguyên thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Thủ tướng Italy Draghi kể từ khi nhậm chức đã nhấn mạnh lại những cam kết hợp tác của nước này đối với Mỹ.
Một trong những lý do khiến Italy quyết định tái khẳng định cam kết với các đồng minh truyền thống của mình là do những lợi ích kinh tế mà nước này có thể nhận được. Trước đó, Italy tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với hy vọng có thể nhận được những khoản đầu tư lớn nhằm kích thích nền kinh tế đang trì trệ của nước này.
Tuy nhiên, với việc Italy là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 trị giá 209 tỷ euro dành cho các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu về vốn đến từ Trung Quốc của Italy đã giảm mạnh.