Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký, ban hành Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hoàn thành vành đai 5 vào năm 2030
Theo đó, Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững gắn với việc phát triển các hành lang kinh tế.
Các hành lang kinh tế gồm: Bắc - Nam; Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Đồng thời, phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đồng bộ, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong vùng gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nội vùng, liên vùng, các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến, hành lang kinh tế.
Với mục tiêu phát triển hệ thống đô thị (theo mô hình TOD) bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức.
Trong đó, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại Hà Nội.
Vành đai 4 - vùng thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là dự án giao thông trọng điểm được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2027. Đồ họa: Duy Anh. |
Đáng lưu ý, Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc... và tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm cả đoạn nam Hải Phòng - Hạ Long.
Theo mục tiêu được đặt ra, đến năm 2027, nhiều tuyến đường cần phải hoàn thành bao gồm: vành đai 4 - vùng thủ đô, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
Đến năm 2030, phấn đấu đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến đường vành đai 5 - vùng thủ đô, các tuyến cao tốc: Bắc - Nam phía tây, Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và các đường song hành với các tuyến vành đai 4, vành đai 5 tại Hà Nam và các địa phương trong vùng.
Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu mở rộng các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hòa Lạc - Hòa Bình…; nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ đạt cấp III, mở rộng tối thiểu 4 - 6 làn xe đối với đoạn qua đô thị, đường tỉnh cơ bản đạt cấp III, IV.
Một số quốc lộ trong danh mục cần ưu tiên cải tạo, nâng cấp và mở rộng gồm: Quốc lộ 6 đoạn Yên Nghĩa - Xuân Mai, Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, Quốc lộ 38C, Quốc lộ 4B đoạn qua tỉnh Quảng Ninh, đường bộ ven biển qua Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, vành đai 5 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc…
Nghiên cứu chính sách đặc thù vùng Đồng bằng sông Hồng
Về đường sắt, các địa phương cần tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu hoàn thành tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía đông - Hà Nội đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi.
Về cảng hàng không, các bộ ngành và địa phương liên quan cần hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy mô quy hoạch.
Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng thủ đô và khu vực phía bắc.
Trong mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài, Cát Bi. Ảnh: Ngọc Tân. |
Về mục tiêu và giải pháp tổng thể, Chính phủ yêu cầu hình thành các vùng động lực và khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics.
Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.
Vùng nam đồng bằng sông Hồng được định hướng phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách tạo đột phá để tiếp tục phát triển thủ đô Hà Nội, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đồng thời, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách vượt trội cho Hà Nội phát huy vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.