Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ GTVT báo cáo hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm khác biệt của báo cáo lần này so với kỳ trước là việc Cục Hàng không nhắc đến khả năng chuyển đổi sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và sân bay Gia Lâm (Hà Nội) sang khai thác lưỡng dụng (cả quân sự và dân dụng). Việc chuyển đổi công năng của các sân bay này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.
Sân bay Gia Lâm nằm tại phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội), từng là sân bay dân dụng chính của thủ đô Hà Nội từ trước năm 1975. Đến nay, một loạt trụ sở các cơ quan, đơn vị ngành hàng không vẫn đặt sát sân bay này (như trụ sở Cục Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay, trụ sở Vietnam Airlines...).
Khi sân bay quốc tế Nội Bài được thành lập năm 1977, sân bay Gia Lâm chỉ còn phục vụ quân sự và các chuyến bay dịch vụ bằng trực thăng. Năm 2020, Bộ GTVT từng quyết định bãi bỏ quy hoạch tổng thể sân bay Gia Lâm, hướng đến việc sân bay này không còn phục vụ mục đích dân dụng.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) ủng hộ động thái của Cục Hàng không khi mở ra cơ hội cho sân bay Gia Lâm khai thác dân dụng. "Thay vì xây dựng sân bay mới, Nhà nước chỉ phải tốn thêm tiền đầu tư các hạng mục dân dụng", ông Tống chia sẻ.
Vị chuyên gia nhận định sân bay Gia Lâm khi được khai thác dân dụng sẽ bổ trợ cho sân bay Nội Bài, tương tự sân bay Biên Hòa sẽ bổ trợ cho Tân Sơn Nhất.
Trước đó, Cục Hàng không cũng đã thống nhất chuyển đổi 2 sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) thành sân bay lưỡng dụng.
Nếu như sân bay Biên Hòa được Cục Hàng không cân nhắc nhiều lần do nằm gần kề 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Long Thành thì trường hợp của sân bay Gia Lâm cũng tương tự. Sân bay này sẽ nằm gần Nội Bài và sân bay thứ 2 của Vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).
Cục Hàng không sẽ phải tính toán kỹ các yếu tố như xung đột vùng trời, san sẻ lưu lượng khi thiết lập cụm 3 sân bay ở Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng đô thị TP.HCM.
Cả nước hiện nay có 22 sân bay được khai thác dân dụng. 6 sân bay dự kiến xây mới từ nay đến 2030 gồm: Long Thành, Phan Thiết, Quảng Trị, Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản. Đến năm 2050, thêm 3 sân bay được xây mới gồm: Cao Bằng, Hải Phòng và sân bay thứ 2 vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).
Với việc Cục Hàng không bổ sung sân bay Thành Sơn và Biên Hòa vào dự thảo quy hoạch, số lượng sân bay dân dụng toàn quốc theo quy hoạch đến năm 2050 sẽ được nâng từ 31 lên 33 sân bay.
Dự thảo quy hoạch cũng được bổ sung thêm điều khoản cho phép nghiên cứu 9 sân bay khác tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Kon Tum, Đắk Nông và Tây Ninh. Các địa phương này sẽ được đầu tư sân bay nếu Thủ tướng chấp thuận.
Cục Hàng không sửa dự thảo quy hoạch, bổ sung 2 sân bay
Số lượng sân bay dân dụng toàn quốc đến năm 2050 sẽ tăng lên 33 sau khi Cục Hàng không thống nhất bổ sung thêm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai).
Cục Hàng không 'bật đèn xanh' cho 9 tỉnh muốn xây thêm sân bay
Bên cạnh 31 sân bay theo quy hoạch, Cục Hàng không đồng ý cho 9 địa phương nghiên cứu thêm dự án sân bay bằng vốn ngoài ngân sách và xin Thủ tướng phê duyệt.
Bình Định kiến nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng sân bay Phù Cát
Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bình Định kiến nghị Bộ Quốc phòng giao phần đất quân sự cho hàng không dân dụng quản lý phục vụ quy hoạch mở rộng sân bay Phù Cát.