Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bệnh' sợ đẻ - quá trễ nếu 20 năm nữa mới can thiệp

“Mức sinh giảm về lâu dài sẽ ảnh hưởng kinh tế và phát triển xã hội. Hệ quả chỉ thấy rõ sau khoảng 20 năm", bác sĩ Hồ Mạnh Tường, TTK Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, nói.

Benh so de TP.HCM anh 1

Trẻ 6-18 tháng tuổi đang theo học tại Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10, TP.HCM). Ảnh: A.N.

Cần và đủ

Nói về chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, Th.s Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM, nhận định chính sách này không phải là hỗ trợ về kinh tế để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp của thành phố. “Việc này bước đầu thể hiện sự quan tâm của TP.HCM đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, câu chuyện mức sinh thấp muốn được giải quyết phải có chính sách cụ thể về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, đời sống, nhà ở, thuế thu nhập cá nhân... để các cặp vợ chồng có thể thật sự yên tâm sinh con và sinh đủ hai con.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho rằng chính sách thưởng tiền giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Thực tế, số tiền thưởng thật ra rất nhỏ, không đáng kể với việc mang thai, sinh và nuôi dưỡng một đứa trẻ tới lúc trưởng thành, đặc biệt là ở thành phố lớn.

Chỉ ra lý do khiến các cặp vợ chồng ngại sinh, bác sĩ Tường cho biết chi phí nuôi, dạy trẻ quá cao so với thu nhập của các vợ chồng trẻ. Trường hợp hai vợ chồng đủ thu nhập để nuôi con thì lại không có thời gian chăm sóc. Cạnh đó, hệ thống giữ và nuôi dạy trẻ từ 6 tháng tuổi ở các thành phố lớn vừa thiếu, vừa yếu, vừa tốn kém. Chưa kể đến việc khi mang thai và có con nhỏ, nữ giới giảm cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp.

Từ đó, bác sĩ Tường đề xuất Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ về việc giữ trẻ, chăm sóc y tế. Các doanh nghiệp phải đồng hành với Nhà nước, tạo ra các phúc lợi đặc biệt hướng đến các vợ chồng trẻ muốn có con, đang có con nhỏ. Xã hội đầu tư và có nhiều hoạt động hướng đến giá trị “gia đình hoàn chỉnh”, bao gồm vợ chồng và con cái.

Ở góc độ y tế, bác sĩ Tường cho rằng, việc đầu tư hệ thống y tế khuyến sinh cần tập trung ở các khu vực dân cư có mức sinh đang giảm nhanh, tối ưu cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ ngay tại địa phương sinh sống. Đồng thời, bổ sung các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trung học, sinh viên đại học. Nội dung bao gồm các kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe sinh sản, hiểu biết về lập gia đình và có con trước tuổi 35 để chăm sóc bà mẹ và các thế hệ tương lai.

Theo ông Phạm Chánh Trung, các đô thị, thành phố lớn khu vực Châu Á có mức sinh tương đồng như TP.HCM liên tục giảm rất sâu. Mức sinh tại TP.HCM thấp, tổng tỷ suất sinh chỉ dao động trong biên độ từ 1,2 đến 1,6. Năm 2024, một nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đức Vinh và các cộng sự tại Viện Xã hội học ghi nhận 2,1 con là số con trung bình các cặp vợ chồng tại TP.HCM mong muốn. Những số liệu tích cực trên cho thấy việc khôi phục mức sinh của TP.HCM vẫn khả thi.

Chia sẻ gánh nặng chăm sóc con nhỏ

Với các chính sách giữ trẻ từ 6 tới 18 tháng tuổi, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết từ hơn 170 trẻ ban đầu, sau 10 năm, các trường, lớp mầm non tại TP.HCM đã đón hơn 2.500 trẻ 6-18 tháng tuổi. Con số tăng gần 15 lần cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố trong việc hỗ trợ người lao động có thể yên tâm quay lại công việc sau thời gian nghỉ sinh.

Trong năm học này, TP.HCM có 2.593 trẻ từ 6 tới 18 tháng tuổi đang được nuôi dạy, chăm sóc ở các trường mầm non, trong đó có 1.825 trẻ ở các cơ sở giáo dục công lập; 437 trẻ ở cơ sở giáo dục ngoài công lập và 331 trẻ được chăm sóc ở các nhóm trẻ độc lập. “Các con số trên cho thấy nhu cầu cần gửi trẻ từ 6 tháng tuổi ngày càng cao trong dân. Mỗi nhóm trẻ có từ hai giáo viên và tùy điều kiện của từng đơn vị sẽ bố trí thêm một nhân viên nuôi dưỡng”, bà Điệp cho hay.

Benh so de TP.HCM anh 2

Gia đình trẻ vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Một bất cập được bà Điệp chỉ ra là tuy chương trình học có nhiều ưu điểm nhưng số trẻ từ 6 - 18 tháng được gửi ở trường mầm non ít, ảnh hưởng đến kinh phí chung của nhà trường. Nguyên nhân do một số khu vực dân cư lao động nhiều, không có điều kiện. Một số gia đình có người thân chăm trẻ nên chưa gửi con tới trường. “Để có thể nhận giữ trẻ ở nhóm tuổi này, các trường phải bố trí thêm phòng pha sữa, khu tắm nắng, trang bị đồ dùng hâm sữa, thay tã... tốn rất nhiều kinh phí. Tuy vậy, số trẻ nhận vào không quá 10 trẻ/lớp, phụ huynh lại mong muốn con mình luôn được ẵm bồng khiến giáo viên rất vất vả”, bà Điệp nói.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định việc các trường nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi giúp đội ngũ công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có thể quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích, thu hút đội ngũ giáo viên đảm nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của giáo dục mầm non.

“Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non có nhận trẻ 6-18 tháng tuổi; tham mưu rà soát và kiểm tra các hộ giữ trẻ không phép trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non”, bà Châu nói.

Sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Bài liên quan

https://tienphong.vn/benh-so-de-qua-tre-neu-20-nam-nua-moi-can-thiep-post1709835.tpo

Anh Nhàn/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm