CLB Thanh Hóa chơi hiệp 1 gần như hoàn hảo. HAGL ghi trung bình 1,9 bàn/trận, nhưng phải đến phút 45+2’ mới có cơ hội nguy hiểm đầu tiên về phía cầu môn của thủ thành Nguyễn Thanh Diệp. Đó là cú sút phạt dội xà ngang của Nguyễn Công Phượng, tình huống thuộc về xuất sắc cá nhân hơn là hiệu quả tập thể.
Thanh Hóa thi đấu tốt, dù vậy, bóng đá là cuộc chơi của khoảnh khắc. Các cao thủ chỉ cần hơn thua trong một nước đi để định đoạt cả ván cờ. HLV Petrovic giỏi, nhưng Kiatisuk còn hay hơn.
Nỗ lực của Thanh Hóa
Mạch 4 trận bất bại (thắng 3, hòa 1) không phải cơ sở để Thanh Hóa tự tin. CLB Đà Nẵng, Viettel, Bình Định có phong độ tốt tương đương, hoặc hơn thế, vẫn thua như thường trước HAGL.
Hy vọng chiến thắng của đội bóng xứ Thanh đặt vào “bố già” Petrovic - HLV từng đưa Sao Đỏ Belgrade lên đỉnh cao châu Âu với chức vô địch C1. Đến nay, ông là HLV vô địch châu Âu duy nhất từng làm việc ở Việt Nam.
Tầm vóc của Petrovic không chỉ là kho kinh nghiệm huấn luyện đồ sộ kéo dài 40 năm, gần bằng tuổi đời Kiatisuk, mà ông còn thành công ở V.League nhờ tài “liệu cơm gắp mắm”, thấu hiểu từng cầu thủ và xây dựng lối chơi phù hợp với CLB Thanh Hóa. Dưới sự dẫn dắt của Petrovic, Thanh Hóa thi đấu khoa học và bài bản, có đấu pháp cụ thể cho từng giai đoạn trên sân và thích ứng tốt với hoàn cảnh.
Trận gặp CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là ví dụ. Nhận thấy HLV Phạm Minh Đức kéo trung vệ Kelly Kester lên đá tiền vệ phòng ngự, HLV Petrovic chỉ đạo Thanh Hóa gây sức ép mạnh lên bộ đôi trung vệ nội của đối thủ. Kết quả là Thanh Hóa trở thành đội đầu tiên khiến Hà Tĩnh phải nhận 5 bàn thua sau 27 trận V.League.
Thanh Hóa có trận đấu đầy nỗ lực trước HAGL. Đội bóng của HLV Petrovic chỉ cho đối thủ hãm thành một lần duy nhất trong 45 phút đầu. Ảnh: Minh Chiến. |
Tài ứng biến và đọc trận đấu của Petrovic là vũ khí mạnh nhất của Thanh Hóa, đội bóng mà xét sòng phẳng về thực lực, thì không mạnh bằng HAGL. Chính Petrovic cũng thừa nhận HAGL đang có 4, 5 cầu thủ hay nhất Việt Nam mà “có tiền cũng không mua được”.
Để ngăn HAGL, Petrovic đã chuẩn bị rất kỹ. Đội bóng xứ Thanh buông trận vòng loại Cúp Quốc gia với Đắk Lắk để dành trọn vẹn 10 ngày lên đấu pháp hóa giải Kiatisuk.
Suốt 45 phút hiệp 1, Thanh Hóa chơi hay. Đội bóng xứ Thanh bịt kín hai biên để chắn tầm hoạt động của Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy - chìa khóa trong cách chơi của HAGL. Ở tuyến giữa, số đông cầu thủ được bố trí để bủa vây bộ đôi Lương Xuân Trường và Trần Minh Vương.
30 phút đầu, đội hình HAGL bị chia thành hai nửa, khi Nguyễn Văn Toàn hay Washington Brandao bị cô lập với phần còn lại. Khoảng cách giữa hàng tiền vệ và tiền đạo HAGL quá xa, bị lấp đầy bởi những cái bóng áo vàng sẵn sàng bẻ gãy những đường tịnh tiến bóng ngắn quen thuộc của đội khách.
Cuộc so tài với Thanh Hóa là trận đấu hiếm hoi HAGL phải liên tục nhồi bóng dài tìm khoảng trống. Minh Vương, Xuân Trường không có không gian để xoay sở hay phối hợp.
60 phút góp mặt trên sân, Xuân Trường hoàn toàn mờ nhạt. Văn Toàn cũng không có cơ hội dứt điểm ở trận này dù được dồn nhiều bóng, tương tự là Brandao.
Sự trở lại của Ewonde giúp hàng thủ Thanh Hóa bọc lót kín kẽ và hiệu quả hơn. Ở tuyến trên, Doãn Ngọc Tân cùng đồng đội pressing tốt, có nhiều pha chuyển trạng thái ấn tượng, đơn cử như tình huống phản công mà Gramoz Kurtaj bỏ lỡ cơ hội.
Thanh Hóa chỉ cần một chạm duy nhất để mở toang hàng thủ năm người của HAGL, chỉ dấu cho thấy Petrovic cùng học trò đã nghiên cứu đối thủ kỹ lưỡng thế nào. Nhưng bất chấp đá rất tốt, Thanh Hóa vẫn thua HAGL.
Điều đó cho thấy cái tài của Kiatisuk.
HAGL ghi rất nhiều bàn từ phối hợp bóng sống ở mùa giải này. Hồng Duy và Brandao khéo léo phối hợp cánh trái, thu hút cầu thủ Thanh Hóa để mở ra khoảng trống cho Minh Vương. Ảnh: Minh Chiến. |
‘Deja Vu’ của HAGL
Trong bài phân tích cho tờ Time trước trận bán kết lượt đi Champions League giữa Real Madrid và Chelsea, HLV kỳ cựu Rafael Benitez chỉ ra một trong những yếu tố quan trọng nhất của bóng đá hiện đại là nhịp độ chơi bóng.
“Nó không đơn thuần là chỉ chạy thật chăm chỉ. Nhịp độ chơi bóng cao cần phải thông qua việc chuyền bóng. Tốc độ của các đường chuyền phải thật nhanh. Cường độ chơi bóng phụ thuộc vào tốc độ của các đường chuyền”, ông Benitez phân tích.
HAGL đánh bại Thanh Hóa bằng yếu tố này, thể hiện rất rõ ở phút 48. Hồng Duy và Brandao đập nhả rất nhanh ở cánh trái để nghiêng tuyến phòng ngự Thanh Hóa sang một bên.
Hồng Duy, sau chạm một thông minh, bứt tốc xộc thẳng vào giữa rồi nhả bóng cho Minh Vương, lúc này đã thoát ra khỏi sự kèm cặp của đối thủ. Cầu thủ mang áo số 8 sút xa đẹp mắt khi khoảng trống mở ra mênh mông trước cầu môn của Thanh Diệp.
Cú sút của Minh Vương cháy lưới Thanh Hóa khiến người xem có cảm giác “Deja Vu”, hiện tượng nhìn thấy những điều có cảm giác từng chứng kiến trong quá khứ. Bàn mở tỷ số của Xuân Trường vào lưới CLB Hà Nội cũng diễn ra tương tự, khi Xuân Trường nhận đường bóng từ cánh trái, rê cắt vào trung lộ và dứt điểm từ xa hiểm hóc bằng má trong chân phải.
Ở cả hai tình huống, Minh Vương và Xuân Trường đều hưởng lợi khi đội hình đối thủ xô lệch, đồng thời các tiền đạo di chuyển hợp lý để “giam” trung vệ ở sân nhà, tạo điều kiện cho tiền vệ rảnh chân dứt điểm.
Để vượt qua những hàng thủ giữ cự ly và pressing tốt, HAGL cần những đường bóng nhanh, mạnh, ăn ý và chính xác. Ở cả 7 trận thắng gần nhất, HAGL đều ghi bàn vượt lên dẫn trước bằng những tình huống bóng mở và phối hợp nhuần nhuyễn.
Ngay cả khi Minh Vương, Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Toàn ghi bàn nhờ sút xa, đó cũng là những pha bóng được dàn xếp, tính toán kỹ càng. Ai đóng vai trò “chim mồi”, dứt điểm, phối hợp thế nào để kiến tạo khoảng trống..., tất cả đều được sắp xếp.
Kiatisuk không có đối thủ ở V.League trong 10 trận đã qua. Ông đang giúp HAGL san bằng nhiều kỷ lục sau 17 năm. Ảnh: Minh Chiến. |
Cách chơi này chỉ có thể định hình thông qua tập luyện. HLV Petrovic không sai khi nói cầu thủ HAGL “nhắm mắt cũng phối hợp được với nhau”.
Nhưng 5 mùa giải trước đó, HAGL chưa từng ghi nhiều bàn nhờ đập nhả bóng sống như mùa này. Phẩm chất kỹ thuật của đội bóng phố núi chỉ được tối ưu hóa khi đặt vào khuôn khổ chiến thuật và định hướng đấu pháp hợp lý do Kiatisuk đề ra.
HAGL thực hành nhuần nhuyễn các bài đập nhả bóng ngắn bằng các bài tập đá nửa sân, nhưng không lạm dụng một, hai cách chơi, mà biết cách lựa chọn lối đá trong những tình huống cần thiết. HLV Pep Guardiola từng nói quả bóng chỉ là phương tiện đánh lạc hướng để các cầu thủ không cầm bóng xâm nhập vào khoảng trống.
Dù HAGL chưa hoàn mỹ về lối chơi, song luôn biết cách mở ra không gian tạo cơ hội. Thời điểm tung đòn của HAGL cũng rất ấn tượng.
Sau nửa đầu hiệp 1 tấn công không hiệu quả, đội bóng phố núi lùi về siết chặt tuyến giữa, để Thanh Hóa thoải mái kiểm soát bóng ở sân nhà. HAGL không pressing tầm cao như các trận, mà nén lại như chiếc lò xo để tích lũy thể lực, rồi bung ra ở phần đầu hiệp 2 khi Thanh Hóa chưa kịp tổ chức đội hình.
HAGL ghi rất nhiều bàn từ đầu mùa ở thời gian 15 đầu mỗi hiệp đấu và luôn tăng tốc khi đối thủ chùng xuống. Thay vì tràn lên mất kiểm soát như trước đây, đội bóng của Kiatisuk đã biết toan tính và kiên nhẫn hơn, không có chuyện “đá trình diễn mà không quan tâm tới kết quả” như đòn hỏa mù trước trận.
Đó dường như là lý do HLV Petrovic giận dữ với pha bỏ lỡ của Gramoz hay cú sút phạt cẩu thả của Jose Luis Pinto. Ông nghiên cứu HAGL đủ nhiều để hiểu rằng nếu phung phí trước đối thủ này, Thanh Hóa sẽ trả giá.
HLV lão làng từng vô địch châu Âu nhìn thấy nguy cơ, mà không ngăn chặn được. Ông không thua Kiatisuk trên toàn cục, nhưng thua một chiêu duy nhất thì vẫn là thua.