Theo CNN, sau một năm xoay xở với tình trạng thiếu hụt chip máy tính, các vấn đề về chuỗi cung ứng, những nhà máy bị đóng cửa tạm thời vì dịch bệnh, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu tiếp tục đối mặt với một vấn đề nan giải nữa.
Giao thông đã ngừng trệ tại khu vực biên giới đông đúc nhất ở Bắc Mỹ khi các tài xế xe tải Canada biểu tình phản đối tiêm chủng.
Những chiếc xe tải đã chặn cầu Ambassador nối hai thành phố Detroit (Mỹ) và Windsor (Canada). Giao thông của cả hai hướng đều bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Những chiếc xe tải bắt đầu chặn cầu Ambassador nối hai thành phố Detroit (Mỹ) và Windsor (Canada). Giao thông của cả hai hướng đều bị tê liệt. Ảnh: New York Times. |
Giao thông ngừng trệ
Các cuộc biểu tình ở Ottawa bắt đầu sau khi một đoàn xe biểu tình, còn gọi là Đoàn xe Tự do, phản đối việc tiêm vaccine bắt buộc cho những tài xế xe tải qua biên giới Mỹ - Canada.
Cuộc biểu tình đã kéo dài sang ngày thứ 14, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và giao thông xuyên biên giới Mỹ - Canada. Một cửa khẩu khác giữa Coutts ở tỉnh bang Alberta (Canada) và bang Montana (Mỹ) cũng đang bị người biểu tình làm ùn tắc.
Các cuộc biểu tình của các tài xế xe tải một lần nữa giáng đòn vào chuỗi cung ứng và những nhà sản xuất ôtô Mỹ, vốn đã lao đao vì đại dịch và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài hai năm qua.
Cây cầu Ambassador xử lý khoảng 27% khối lượng giao thương giữa Mỹ và Canada. Khoảng 8.000 chiếc xe tải thường qua lại cầu mỗi ngày.
Cuộc biểu tình làm tê liệt Ambassador - cây cầu xử lý khoảng 27% khối lượng giao thương giữa Mỹ và Canada. Khoảng 8.000 chiếc xe tải thường qua lại cầu mỗi ngày. Ảnh: Reuters. |
Các nhà máy ở cả bên cho biết dây chuyền lắp ráp đang bị gián đoạn, thậm chí ngừng hoạt động vì bị chặn đường vận chuyển những bộ phận cần thiết.
"Tình trạng tê liệt tại cây cầu huyết mạch giữa Mỹ và Canada đang gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng ôtô, vốn đã chao đảo do thiếu chất bán dẫn và những vấn đề khác liên quan tới đại dịch", một hiệp hội bao gồm 3 nhóm doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ôtô tuyên bố.
"Các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp Mỹ đang làm mọi thứ có thể để tối đa hóa sản lượng với những gì họ có và cố gắng duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất", hiệp hội tuyên bố.
"Nhưng sản lượng vẫn giảm và tình hình có thể nghiêm trọng hơn nữa nếu tình trạng gián đoạn kéo dài", tuyên bố nói thêm.
Giáng thêm đòn
Ngành công nghiệp ôtô toàn cầu đã đối mặt với vô số rắc rối trong vòng hơn một năm qua, nhất là tình trạng khan hiếm nguồn cung chip. Các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng cản trở hoạt động sản xuất.
Ảnh hưởng của dịch bệnh còn khiến một số nhà sản xuất phải đóng cửa tạm thời. Điều đó kéo tụt nguồn cung của ôtô, đẩy giá tăng lên mức kỷ lục.
Hôm 10/2, Ford cho biết công suất của các nhà máy ở Oakville (tỉnh bang Ontario, Canada) - nơi sản xuất các mẫu SUV Ford Edge và Lincoln Nautilus - và Windsor - nơi chế tạo động cơ cho những chiếc xe bán tải Super Duty - đang sụt giảm.
"Tình trạng gián đoạn trên cây cầu nối hai thành phố Detroit và Windsor tác động tiêu cực đến các khách hàng, công nhân sản xuất ôtô, nhà cung cấp và doanh nghiệp ở cả hai bên. Họ vốn đã gặp khó suốt 2 năm qua vì thiếu hụt chất bán dẫn, dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác", Ford nhận định.
Tình trạng tê liệt tại cây cầu huyết mạch giữa Mỹ và Canada đang gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng ôtô, vốn đã chao đảo do thiếu chất bán dẫn và những vấn đề khác liên quan tới đại dịch
Một hiệp hội trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ
"Chúng tôi hy vọng rằng tình trạng này sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Bởi nó có thể ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả nhà sản xuất ôtô ở Mỹ và Canada", hãng xe nhấn mạnh.
Trên thực tế, General Motors đã cho nghỉ ca làm việc thứ hai hôm 9/2 và ca đầu tiên ngày 10/2 tại nhà máy ở Michigan. Đây là nơi chế tạo mẫu SUV Buick Enclave và Chevrolet Traverse.
Stellantis cũng cho nghỉ một ca làm việc hôm 9/2 tại một số nhà máy. Toyota cho biết các nhà máy ở Canada và Kentucky cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình.
"Chúng tôi cho rằng tình trạng gián đoạn sẽ kéo dài tới cuối tuần và sẽ tiếp tục thực hiện những điều chỉnh nếu cần thiết", hãng cho biết. Toyota là nhà sản xuất ôtô dẫn đầu ngành về doanh số bán xe tại Mỹ lần vào năm 2021.
"Dù tình hình diễn biến phức tạp và biến đổi liên tục, tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng sẽ không có bất cứ tác động nào đối với việc làm", Toyota nói thêm.
Honda cũng thông báo về việc một nhà máy của hãng ở Alliston (Ontario) phải tạm ngừng hoạt động trên một dây chuyền sản xuất vào tối 9/2 do tình trạng ùn ứ giao thông. Tuy nhiên, dây chuyền này đã hoạt động trở lại hôm 10/2.