Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân hàng trung ương Mỹ đau đầu vì lạm phát tăng nóng

Giới quan sát cho rằng chính phủ Mỹ cần hành động mạnh tay để đối phó với lạm phát tăng cao. Nhưng điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại.

"Dữ liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ giống như một 'cú tát' đối với ông Jay Powell và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)", CNBC dẫn bình luận của ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citi Research.

"Họ từng cho rằng vào đầu năm nay, lạm phát sẽ bắt đầu giảm và đi xuống. Nhưng theo dữ liệu tháng 1, vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào về việc lạm phát có thể hạ nhiệt", ông Sheets nói thêm.

Cụ thể, hôm 10/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng tăng 7,5% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. Con số vượt dự báo tăng 7,2-7,3% của giới phân tích.

Ap luc lam phat anh 1

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 đã tăng 7,5% so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tăng nóng

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng cũng cao hơn dự báo của giới quan sát. Ngay cả với những thách thức do biến thể Omicron đặt ra, lạm phát vẫn ở mức cao.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt vượt mốc 2% sau thông tin. Lãi suất ngắn hạn còn tăng cao hơn nữa. Giới quan sát tin rằng các nhà chức trách của Mỹ sẽ nhanh chóng hành động mạnh tay để ngăn chặn đà tăng của giá cả.

"Cần phải hành động mạnh tay hơn nữa để đưa lạm phát xuống 3% trong năm nay", chuyên gia kinh tế tại Citi nhận định. "Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến FED ngày càng quyết liệt", ông Sheets dự báo.

"Kể từ giờ đến cuối năm, chúng ta sẽ phải hành động để đưa lạm phát về mức bình thường. Bởi nó không tự giảm bớt, ít nhất là tới nay, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc đó", vị chuyên gia nhận định.

Cần phải hành động mạnh tay hơn nữa để đưa lạm phát xuống 3% trong năm nay. Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến FED ngày càng quyết liệt

Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citi Research

Sau khi báo cáo về mức lạm phát mới nhất của FED được đưa ra, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 7 lần, mỗi lần 0,25%, trong năm nay. Trước đó, ngân hàng này đã dự báo là 5 lần.

Còn theo nhà quản lý quỹ Bill Ackman, việc FED nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ là một "động thái bất ngờ, tạo nên cú sốc và nỗi kinh hoàng cho thị trường chứng khoán". "Điều này chứng minh sự quyết tâm của cơ quan này nhằm ngăn chặn lạm phát", ông nhấn mạnh.

"FED đang thua trong cuộc chiến chống lạm phát. Cơ quan này chưa thể đến đúng nơi cần thiết. Điều đó gây ra những thiệt hại kinh tế nặng nề cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất", vị chuyên gia khẳng định.

Theo CNBC, áp lực lạm phát gia tăng khi nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là các gói kích thích tài chính và tiền tệ giảm dần.

Áp lực chồng áp lực

Lãi suất tăng cao sẽ khiến chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp lao dốc.

Việc mạnh tay tăng lãi suất cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và làm chao đảo thị trường chứng khoán. "Động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn yếu. Tình hình cũng phụ thuộc vào sự lây lan của Omicron", ông Sheets nhận định.

"Nếu muốn giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao, FED còn cần tình hình dịch bệnh được cải thiện, nhu cầu chuyển từ lĩnh vực hàng hóa - vốn đang tăng nóng - sang lĩnh vực dịch vụ. Cùng với đó là tháo gỡ những nút thắt trong chuỗi cung ứng", ông kết luận.

Vài tháng qua, những cửa hàng tạp hóa Mỹ phải chật vật lấp đầy các kệ hàng. Nguyên nhân là tình trạng chậm trễ trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt nhân viên. Thời tiết khắc nghiệt cũng giáng thêm đòn vào thị trường Mỹ.

Ap luc lam phat anh 2

Áp lực lạm phát tăng cao khi nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Ảnh: Reuters.

Theo giáo sư Miguel Gomez, Robert G. Tobin tại Trường Kinh tế Ứng dụng Dyson của Đại học Cornell, thời tiết khắc nghiệt sẽ thúc đẩy người tiêu dùng tích trữ hàng hóa, từ đó khiến tình trạng thiếu hụt càng trở nên trầm trọng, đẩy giá cả leo cao.

Lạm phát Mỹ tăng cao khiến doanh số bán lẻ lao dốc trầm trọng. Hồi tháng 12/2021, Mỹ ghi nhận doanh số bán lẻ sụt giảm 1,9% so với tháng liền trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

“Thời tiết khắc nghiệt thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau đó, chúng ta sẽ vượt qua”, ông Doug Baker - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm - bình luận.

“Nhưng biến thể Omicron, tình trạng gián đoạn và thời tiết khắc nghiệt đã khiến những vấn đề của chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn”, ông nhận định. Tình hình có thể ngày càng nghiêm trọng khi khách hàng đổ xô tích trữ hàng hóa.

Lạm phát Mỹ tăng nóng, Bitcoin quay đầu giảm, vàng hưởng lợi

Báo cáo về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ triệt tiêu đà tăng giá của Bitcoin và chứng khoán. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng giá vàng sẽ hưởng lợi từ thông tin này.

Dịp Tết Nguyên đán ảm đạm của người tiêu dùng Trung Quốc

Trung Quốc đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt nhằm chống virus lây lan trước thềm Olympic Bắc Kinh 2022. Điều này khiến tiêu dùng suy yếu trầm trọng.

Kim ngach xuat khau cao ky luc hinh anh

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

0

Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 368 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm