Năm người trong nhóm này đã bị tiêu diệt tại vùng Rostov, Reuters dẫn truyền thông Nga đưa tin hôm 21/2. Một số phương tiện bọc thép của Ukraine cũng đã bị phá hủy.
Ukraine bác bỏ tuyên bố từ quân đội Nga và khẳng định lực lượng nước này không có mặt tại vùng Rostov.
Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, cuộc đụng độ xảy ra lúc 18h (giờ Moscow) tại vùng Rostov, gần biên giới Ukraine - Nga.
FSB cho biết sau khi phát hiện một nhóm nghi là các phần tử phá hoại từ quân đội Ukraine, lực lượng biên phòng đã kêu gọi sự trợ giúp từ quân khu phía Nam của Nga.
Bằng vũ khí chống tăng, một đơn vị thuộc quân đội Nga đã tiêu diệt hai xe quân sự Ukraine bị cho là đã vượt biên giới, theo tuyên bố chính thức do nhà chức trách cung cấp cho Interfax.
Một xe tăng của Nga trong lúc diễn tập gần biên giới Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc họp sau đó với Tổng thống Putin, Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt hai nhóm “phá hoại” thuộc quân đội Ukraine vượt biên vào Nga trong tối 20/2, đồng thời đã bắt sống một binh sĩ Ukraine.
Sự kiện này diễn ra trong thời khắc căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang. Nga liên tục phủ nhận có ý định tấn công Ukraine như tuyên bố từ Mỹ và đồng minh phương Tây cáo buộc.
Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 21/2 tuyên bố đạn pháo từ lãnh thổ Ukraine đã phá hủy một chốt biên phòng của Nga ở vùng Rostov, theo Interfax. Quân đội Ukraine phủ nhận thực hiện đòn pháo kích và gọi đây là “tin giả”.
Căng thẳng Nga - Ukraine
Ukraine trong nhiều năm trở lại đây dần xa rời Nga và trở nên thân thiết với phương Tây. Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine vào năm 2014, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cùng năm 2014, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk II năm 2015.
Thỏa thuận Minsk II sau đó bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Moscow muốn tấn công nước láng giềng. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kyiv.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công. Những ngày qua, Nga thông báo rút bớt quân gần biên giới nhưng các nước phương Tây nghi ngờ thông tin này.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên, làm dấy lên lo ngại chiến sự sẽ căng thẳng hơn.