Công tố viên Karim Khan đến thị trấn Vyshhorod ở Ukraine hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/3 nói rằng Nga không công nhận Tòa Hình sự Quốc tế ở The Hague. "Chúng tôi không công nhận tòa án này và chúng tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án", ông Peskov nói.
Công tố viên ICC Karim Khan sẽ yêu cầu thẩm phán phê chuẩn lệnh bắt giữ dựa trên những bằng chứng thu thập được. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt giữ liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Guardian cho hay lệnh bắt giữ dựa trên hai cuộc điều tra của ông Karim Khan trong một năm qua, cáo buộc một số công dân Nga chịu trách nhiệm cho việc tấn công hạ tầng dân sự của Ukraine và bắt trẻ em Ukraine đến Nga.
Moscow phủ nhận việc nhắm đến hạ tầng dân sự của Ukraine, nói rằng các mục tiêu tấn công đều nhằm giảm năng lực chiến đấu của Kyiv. Nga cũng nói rằng việc đưa trẻ em Ukraine đến Nga nằm trong chương trình nhân đạo bảo vệ trẻ mồ côi khỏi xung đột, theo Reuters.
Văn phòng công tố ICC và Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về vụ việc.
Truyền thông phương Tây cho rằng lệnh bắt giữ cũng không có nhiều khả năng để ICC mở phiên tòa xét xử, khi cơ quan này không xét xử bị cáo vắng mặt, trong khi Moscow có thể sẽ phủ nhận các cáo buộc.
Konstantin Kosachyov, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), nói rằng ICC không có quyền tài phán với Nga, do Moscow đã rút khỏi ICC vào năm 2016.
Trong khi đó, nội bộ Mỹ cũng đang có những lập trường đối lập về việc chia sẻ thông tin cho ICC.
Mỹ không phải thành viên tòa án hình sự quốc tế. Trong khi Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo Mỹ ủng hộ việc chia sẻ bằng chứng, Bộ Quốc phòng Mỹ lại phản đối việc này, cho rằng nó có thể tạo ra tiền lệ để ICC truy tố lính Mỹ, theo New York Times.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.