Tờ tin tức quân sự Armyrecognition của Bỉ ngày 9/8 dẫn nguồn tin tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, hệ thống phòng thủ bờ biển di động 3K55 Bastion-P sẽ được điều động đến quần đảo Kuril vào cuối mùa hè này.
“Bộ Quốc phòng đang có kế hoạch triển khai Bastion-P đến quần đảo Kuril trong tháng 8. Hệ thống này sẽ làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga”, nguồn tin nói.
Hệ thống Bastion-P có thể diệt tàu chiến đối phương ở cự ly 300 km. Ảnh: Armyrecognition |
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng thủ bờ biển và máy bay không người lái mới đến quần đảo Kuril trong năm nay. “Việc tái vũ trang theo lịch trình với các đơn vị tên lửa mới trên quần đảo Kuril đang được sắp xếp”, Bộ trưởng Shoigu nói trong một cuộc họp.
Năm nay, Nga dự định triển khai hệ thống phòng thủ bờ biển Bal, Bastion-P và máy bay không người lái Eleron-3. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), quân đoàn pháo binh và tên lửa bờ biển (RCMAT) Nga đã triển khai hoạt động khoảng 36 hệ thống tên lửa hiện đại.
Tính đến tháng 3, RCMAT đã nhận được khoảng 24 hệ thống phòng thủ bờ biển di động 3K60 Bal. Hệ thống này sử dụng đạn tên lửa Kh-35 tầm bắn 120 km hoặc Kh-35U tầm bắn 260 km. 12 hệ thống 3K55 Bastion-P, hệ thống sử dụng đạn tên lửa 3M55 Onyx tầm bắn 300 km.
Quần đảo Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản trên bản đồ. Đồ họa: BBC |
Bastion-P được thiết kế để tiêu diệt tàu chiến đối phương từ cự ly 300 km. Cấu hình hệ thống gồm, xe mang phóng chứa 2 đạn tên lửa/xe, xe chỉ huy, xe radar. Các thành phần của hệ thống được lắp trên khung gầm xe tải chuyên dụng MZKT-7930.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 3M55 Onyx có tốc độ lên đến hơn 3.000 km/h nên rất khó đánh chặn.Các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá, Bastion-P là một trong những hệ thống phòng thủ bờ biển đáng sợ nhất trên thế giới.
Moscow và Tokyo cùng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Kuril hay Vùng lãnh thổ phương bắc theo cách gọi của Nhật. Liên Xô quản lý quần đảo này sau khi Thế chiến II kết thúc. Theo Hiệp ước Hòa bình San Francisco ký với Mỹ vào năm 1951, Nhật Bản từ bỏ yêu sách đối với quần đảo nhưng không công nhận chủ quyền của Liên Xô đối với quần đảo này.
Ngoài ra, Tokyo tuyên bố rằng, ít nhất một trong những đảo tranh chấp không thuộc quần đảo Kuril do đó không nằm trong điều khoản của hiệp ước. Phía Moscow lại cho rằng, chủ quyền của họ đối với quần đảo đã được công nhận sau hiệp ước. Điều đó dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa hai nước.