“Chúng ta sẽ hiện đại hóa các đơn vị vũ trang và căn cứ quân sự trên quần đảo Kuril. Trong năm nay họ sẽ nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển Bal và Bastion, cũng như các phi cơ không người lái thế hệ mới Eleron-3”, AFP dẫn lời ông Sergei Shoigu phát biểu trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng hôm 25/3.
Nga đã và đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự trên quần đảo Kuril, bao gồm việc xây dựng nhiều doanh trại mới cho binh sĩ.
Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh trong cuộc họp rằng quân đội Nga sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực và khu vực quần đảo Kuril.
Vị trí nhóm đảo Kuril trên bản đồ. Ảnh: travellanda.com |
Ông cho biết hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga sẽ làm nhiệm vụ ở quần đảo Kuril trong 3 tháng để xem các đảo có thể thực hiện chức năng của một căn cứ hải quân hay không.
Năm nay và năm tới, Nga sẽ xây hơn 350 tòa nhà để phục vụ nhu cầu của quân đội trên các đảo Iturup và Kunashir (Etorofu và Kunashiri trong tiếng Nhật) thuộc quần đảo Kuril. Khoảng 19.000 người Nga sống trên các đảo đá ở Kuril.
Với chiều dài xấp xỉ 1.300 km, nhóm đảo Kuril trải dài từ khu vực gần đảo Hokkaido của Nhật tới bán đảo Kamchatka của Nga. Chúng ngăn cách Biển Okhotsk với vùng biển phía bắc Thái Bình Dương. Quần đảo này gồm 56 đảo và nhiều hòn đá nhỏ, với tổng diện tích 10.503 km2.
Tháp súng xe tăng và hải đăng từ thời Thế chiến trên đảo
Kunashir thuộc nhóm đảo Kuril. Ảnh: APII |
Ở quần đảo Kuril, Nhật đòi chủ quyền bốn đảo là Iturup (Etorufu), Kunashir (Kunashiri), Shikotan (Shikotan) và Habomai (Habomai). Nhật kiểm soát các đảo này cho đến khi kết thúc Thế chiến II và gọi chúng là lãnh thổ phía Bắc.
Sau năm 1945, lực lượng Liên Xô chiếm đóng các đảo, trục xuất cư dân Nhật khỏi đây. Phía Nga khẳng định chủ quyền của Liên Xô với các đảo này đã được công nhận bằng các thỏa thuận quốc tế sau Thế chiến II.
Do tranh chấp các đảo thuộc quần đảo Kuril, Nhật và Nga vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. Quần đảo Kuril trở thành một rào cản Nhật và Nga thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nhiều năm qua.