Chiến dịch không kích tại Syria đưa Tổng thống Vladimir Putin trở lại sân khấu chính trị quốc tế. Ảnh: AFP |
Từ tháng 9, Nga đã thể hiện sức mạnh bằng chiến dịch không kích phiến quân trên khắp lãnh thổ Syria. Chủ trương của Điện Kremlin khiến vai trò của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu lu mờ và Washington cũng như các nước đồng minh của họ rất tức giận.
Khẳng định vị thế của một siêu cường
Đây là lần đầu tiên Nga thực hiện chiến dịch tấn công ở nước ngoài từ khi Hồng quân tham chiến ở Afghanistan vào năm 1979. Một số nhà phân tích nhận định Moscow can thiệp trực tiếp vào chiến trường Syria để khẳng định vị thế của một siêu cường, theo AFP.
Với những phản lực cơ Sukhoi hiện đại nhất cùng những máy bay cũ từ thời Liên Xô, Không quân Nga phá nhiều trụ sở chỉ huy và trại huấn luyện của “những phần tử khủng bố cực đoan” để hỗ trợ quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, một đồng minh lâu năm của Moscow.
Những chiến hạm của Nga trong Biển Caspian cũng lần đầu tiên bắn tên lửa tới những mục tiêu ở cự ly hơn 1.500 m – một hành động cho thấy ý đồ phô trương sức mạnh trước phương Tây.
“Tôi không thể đánh giá việc bắn tên lửa từ Biển Caspian có ý nghĩa nào đó về phương diện quân sự hay không? Chúng tôi phô trương sức mạnh, nhưng với ai? Với phiến quân Hồi giáo ư? Không đúng. Trước hết, Nga muốn thể hiện sức mạnh trước người Mỹ”, Grigory Melamedov, một nhà phân tích chính trị ở Nga, phát biểu.
Chiến thắng trước phương Tây
Bằng chiến dịch quân sự ở Syria, Tổng thống Nga quay trở lại sân khấu chính trị thế giới sau khi phương Tây tẩy chay ông vì chủ trương sát nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào tháng 3/2014.
“Putin không hề có ý định duy trì tình trạng cô lập”, Alexander Baunov, một nhà nghiên cứu chính trị của Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định.
Phương Tây đặt dấu hỏi lớn về động cơ thực sự của Nga trong chiến dịch quân sự. Họ cáo buộc Moscow hỗ trợ chính quyền của Assad bằng cách tấn công những khu vực do phe đối lập kiểm soát.
Song nhiều nhà phân tích nhận định rằng việc Nga dội hỏa lực vào Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng phiến quân khác ở Syria chỉ là một phần trong chủ trương cạnh tranh – hay thậm chí đe dọa – phương Tây.
“Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây không liên quan tới Syria hay IS, mà liên quan tới nguyên tắc toàn cầu. Nỗ lực ngoại giao và sức ép kinh tế không thể giải quyết mâu thuẫn ấy. Giờ đây Nga cần sử dụng sức mạnh quân sự thể hiện thái độ”, Matthew Rojansky - giám đốc của Viện Kennan tại thành phố Washington, Mỹ - nói với AFP.
Nga chấp nhận giá đắt
Nhưng sự phô diễn sức mạnh quân sự của Nga diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế (do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây) đang làm giảm thực lực của đất nước. Vì thế, nhiều nhà phân tích cảnh báo nỗ lực nâng cao vị thế trên trường quốc tế của Moscow có thể dẫn tới hậu quả tai hại.
Dù kinh tế khó khăn, Quốc hội Nga dành cho quân đội 3,29 nghìn tỷ ruble (53 tỷ USD) trong năm 2015, tương đương hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội.
Giới phân tích nhận định khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu chiến dịch quân sự ở Syria diễn ra trong thời gian dài. Có lẽ cả chính phủ và người dân Nga đều sẵn sàng chấp nhận cái giá ấy để nâng cao hình ảnh với thế giới.
Người dân Nga sẽ không muốn chịu đựng khó khăn kinh tế vì cuộc chiến chống IS, song họ sẵn sàng chấp nhận để giành thắng lợi trước phương Tây.
Grigory Melamedov, một nhà phân tích chính trị ở Nga.
Nỗ lực khẳng định vị thế siêu cường của Nga cũng cho thấy sự chia rẽ ở Trung Đông, bởi nhiều nước Arab lên án chiến dịch quân sự của Moscow.
“Người Hồi giáo dòng Sunni muốn Nga rời khỏi Syria, nhưng người Shiite muốn Nga ở lại. Iran, Iraq, Lebanon và những lực lượng trung thành với chính phủ ở Syria cũng ủng hộ Nga”, Baunov giải thích.
Vasily Kashin, một nhà phân tích chính trị, nói rằng rạn nứt trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar là hậu quả tất yếu của chiến dịch quân sự mà Nga thực hiện ở Syria, bởi ba nước đều tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích lẫn nhau từ khi Moscow không kích ở Syria và phi cơ Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hai lần. Ông Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo Nga có thể mất hợp đồng xây nhà máy hạt nhân đầu tiên trên đất nước ông.
Mặc dù vậy, phần lớn giới phân tích vẫn nhất trí rằng hành động quân sự của Nga ở Syria sẽ không phá tan mối quan hệ giữa Moscow với các nước đồng minh của phương Tây tại Trung Đông trong tương lai xa.
“Dù giận Nga, chính phủ Arab Saudi sẽ vẫn duy trì quan hệ với Moscow. Hai nước có rất nhiều lợi ích chung. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ hành động tương tự”, Rojansky nói.