Chiến đấu cơ Su-24 của Nga tiếp xăng tại căn cứ không quân Latakia, Syria. Ảnh: Spunik |
Hai chiến dịch quân sự song song
Nga bất ngờ không kích độc lập các mục tiêu bị cho là khủng bố trên lãnh thổ Syria hôm 30/9. Trên không phận Syria, Mỹ và đồng minh cũng đang dội bom IS, BBC đưa tin.
Sự hiện diện của Nga làm Washington lo ngại về nguy cơ va chạm giữa các chiến đấu cơ khi cùng thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố. Mỹ cho biết phía Nga chỉ báo cho họ một giờ trước khi chiến đấu cơ Nga bắt đầu oanh tạc trên lãnh thổ Syria.
Nhằm tránh nguy cơ này, Washington và Moscow đang bàn thảo một cơ chế giảm thiểu khả năng va chạm, bao gồm những kế hoạch cụ thể và phối hợp cẩn trọng.
Phía Nga tuyên bố họ dội bom IS và các tổ chức khủng bố khác nhưng Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng nạn nhân của chiến đấu cơ Nga là lực lượng phiến quân được CIA hậu thuẫn.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ điều hành các chiến dịch không kích ở căn cứ Không quân Al-Udaid, Qatar, nơi các mục tiêu ở Syria và Iraq được phân bổ đều cho các nước trong liên minh chống IS. Đây là lực lượng phản đối sự tồn tại của chính quyền đương thời Syria.
Tuy nhiên, một trung tâm chỉ huy mới vừa mọc lên tại Baghdad, nơi Nga, Iran, Syria và Iraq lên kế hoạch cho các hoạt động tấn công. Đây là những bên ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. IS chắc chắn sẽ nằm trong danh sách bị tấn công của lực lượng này.
Phản ứng của các bên
Su-34 trở về sau chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria. Ảnh: Sputnik |
Việc Nga tham gia chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria khiến IS phải thay đổi tính toán. Trong quá khứ, mục tiêu chính của lực lượng này là Mỹ và phương Tây nhưng hiện tại, Moscow cũng sẽ trở thành kẻ thù của phiến quân Hồi giáo cực đoan. Trong tương lai gần, chúng có thể nghĩ ra những phương pháp hành quyết man rợ hơn nhằm tăng khả năng răn đe với thế giới.
Ngoài ra, IS có thể tấn công trực diện nước Nga để phát động một cuộc thánh chiến. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời mà IS sẽ nắm lấy để chiêu mộ thêm binh sĩ tại những khu vực muốn ly khai khỏi Nga. Chiến dịch tuyên truyền có thể giúp phiến quân Hồi giáo đạt được mục đích này, giống cách chúng sử dụng với Mỹ và phương Tây.
Việc Nga không kích trên lãnh thổ Syria đẩy các nước Arab vào tình thế khó xử. Họ không muốn đứng chung phe với Nga trong chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria. Dù hai chiến dịch diễn ra độc lập, nhiều phần tử phản đối sự việc này sẵn sàng gia nhập IS và al-Nusra, giúp các lực lượng này tăng mạnh quân số.
Kẹt giữa hai lực lượng chiến đấu hùng mạnh của IS và chính phủ Syria là những nhóm vũ trang nhỏ. Các lực lượng này chịu ảnh hưởng từ các cuộc không kích của Nga. Một số nhóm được phương Tây ủng hộ đang suy yếu vì đào tẩu, bại trận hoặc bị tiêu diệt trong cuộc chiến với IS hoặc quân đội chính phủ Assad.
Phía Iran cũng đã đưa hàng trăm binh sĩ vào Syria để hỗ trợ chính quyền Assad. Kết hợp với các cuộc không kích của Nga, quân đội Assad và các lực lượng ủng hộ có thể chiếm lại những vùng đất đã lọt vào tay các lực lượng chống đối. Nhiều khả năng, cuộc chiến cuối cùng sẽ xảy ra giữa quân đội Syria và các tổ chức cực đoan như IS và al-Nusra.
Tuy nhiên, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ can thiệp để bảo vệ lực lượng chống Assad mà họ hậu thuẫn. Trước đây, nhiều quốc gia trong khu vực đã bí mật cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chính phủ Assad. Nhiều khí tài lọt vào tay các tổ chức khủng bố như IS và al-Qaeda.
Tương lai hòa hoãn
Từ năm 2011 tới nay, rất nhiều chuyên gia về Trung Đông tuyên bố Tổng thống Assad sẽ bị lật đổ và đế chế của ông không thể tồn tại. Tuy nhiên, Tổng thống Assad vẫn là lãnh đạo hợp pháp của Syria. Kết hợp với sự giúp đỡ của Nga, các thế lực còn lại dường như không thể lật đổ chính phủ Syria.
Tình hình Syria hiện nay tạo ra một mớ bòng bong thực sự. Nếu không bên nào giành chiến thắng áp đảo, các lực lượng sẽ phải miễn cưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Trái với Moscow, ảnh hưởng của Washington ngày càng suy giảm trong vấn đề Syria.