Nga tấn công vào các trung tâm năng lượng và tìm cách bao vây bờ biển, cô lập Ukraine. Ảnh: AFP. |
Ngày 3/3, Nga và Ukraine tiến hành vòng đàm phán thứ 2 trong nhiều giờ nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
“Vòng đàm phán thứ 2 đã kết thúc. Thật không may, kết quả mà Ukraine cần vẫn chưa đạt được”, cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, viết trên mạng xã hội sau cuộc họp. Tuy nhiên, hai bên đã thỏa thuận tạo ra các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường, theo ABC.
Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia, ở thành phố Energodar (Ukraine), bốc cháy do hàng loạt đợt pháo kích từ lực lượng Nga.
Ông Dmytro Orlov, Thị trưởng thành phố Energodar, cho biết đã xảy ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng địa phương và quân đội Nga, đồng thời nói thêm rằng đã có thương vong, nhưng chưa nêu chi tiết.
Phong tỏa trung tâm năng lượng và bao vây bờ biển
Enerhodar là trung tâm năng lượng quan trọng của Ukraine trên sông Dnepr, chiếm 1/4 sản lượng điện cả nước. Việc quân đội Nga tấn công vào nhà máy Zaporizhzhia có thể đe dọa đến an ninh năng lượng của Ukraine.
Người phát ngôn nhà máy Andriy Tuz nói rằng các quả đạn pháo đã rơi trực tiếp vào nhà máy Zaporizhzhia và đốt cháy một trong sáu lò phản ứng. Lò phản ứng đó đang được cải tạo và không hoạt động, nhưng có nhiên liệu hạt nhân bên trong, ông nói.
Đến 2h30 (giờ địa phương), các nhân viên cứu hỏa vẫn không thể tiếp cận hiện trường đám cháy, Guardian dẫn lời một nhân viên nhà máy.
Hình ảnh vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, thành phố Enerhodar, Ukraine. Ảnh: Guardian. |
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi quân đội Nga ngay lập tức ngừng bắn vào nhà máy điện và cho phép thiết lập một vùng an toàn.
"Nếu nó nổ, vụ nổ sẽ gấp 10 lần Chernobyl! Người Nga phải ngay lập tức ngừng bắn, cho phép lính cứu hỏa đi vào, thiết lập vùng an toàn", ông viết trên Twitter.
Tuy nhiên, cơ quan Tình trạng khẩn cấp của Ukraine sau đó báo cáo các điều kiện an toàn về bức xạ và cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya vẫn “trong giới hạn bình thường”. Lò phản ứng thứ 3 tại nhà máy Zaporozhye đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống năng lượng trước đó.
Đến khoảng 4h (giờ địa phương), phát ngôn viên của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya cho biết các cuộc pháo kích đã dừng lại, nhưng tình hình vẫn chưa chắc chắn.
Trong khi đó, lực lượng Nga dường như đang ngăn chặn Ukraine tiếp cận biển, thông qua việc bao vây các cảng quan trọng của nước này. Hôm 3/3, lực lượng Nga đã kiểm soát và áp lệnh giới nghiêm ở Kherson, siết chặt vòng vây Mariupol, đồng thời cử một đội đặc nhiệm đổ bộ lớn đe dọa Odesa, theo Guardian.
Khi cuộc tấn công của hải quân Nga ở phía nam đang lan rộng, một tàu sân bay Helt thuộc sở hữu của Estonia và một tàu chở hàng của Bangladesh bị tên lửa đánh chìm. Một trong các thủy thủ đoàn đã thiệt mạng và 4 người khác mất tích.
Các cảng trải dọc bờ biển của Ukraine, kéo dài từ biển Azov ở phía đông đến biển Đen, đã trở thành mục tiêu của lực lượng Nga trong những ngày gần đây, dường như Nga đang tìm cách cắt đứt và cô lập phần lớn Ukraine.
Việc cắt đứt quyền tiếp cận của Ukraine với biển Đen và biển Azov sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế nước này và cho phép Nga xây dựng một hành lang trên bộ tới bán đảo Crimea.
Trong khi đó, các vụ nổ vẫn diễn ra ở Kyiv và cả khu vực bên cạnh thủ đô như Bucha, Irpin và Gostomel.
Phản ứng các bên
Trước thông tin về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, các quan chức Nhà Trắng nói với CNN họ đang theo dõi tình hình từ xa. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhận các báo cáo về vụ pháo kích tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Tổng giám đốc Rafael Mariano Grossi kêu gọi ngừng sử dụng vũ lực tại Enerhodar và kiềm chế bạo lực tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân. Ông cho biết thêm IAEA tiếp tục tham vấn Ukraine và những nước khác để tìm cách duy trì an ninh và an toàn hạt nhân.
Hình ảnh một tòa nhà ở Kharkiv, Ukraine. ảnh: Guardian. |
Trong ngày 3/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Điện Elysee cho biết.
Trong đó, ông Putin cảnh báo mọi nỗ lực trì hoãn đàm phán của Kyiv sẽ dẫn tới việc Nga tăng cường yêu sách, đồng thời bày tỏ sự phản đối với bài phát biểu của tổng thống Pháp một ngày trước đó.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc rằng ý tưởng về chiến tranh hạt nhân đang ám ảnh các chính trị gia phương Tây, chứ không phải người Nga và đảm bảo không để “bất kỳ hành động khiêu khích nào làm Nga lúng túng”.
Trong khi đó, ông Dmitry Rogozin, Giám đốc tập đoàn vũ trụ Roscosmos, cho biết an ninh của Nga được đảm bảo nhờ vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng “đây là bảo hiểm cho cách sống hòa bình và nền độc lập, cũng như quyền chủ quyền của người Nga", theo Interfax.
Trong bối cảnh giao tranh ở Ukraine ngày càng căng thẳng, phương Tây tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và giới tài phiệt nước này. Hôm 3/3, hải quan Pháp đã bắt giữ một du thuyền của ông chủ công ty dầu khí Rosneft Igor Sechin khi nó cố gắng rời cảng La Ciotat ở Địa Trung Hải.
Phản ứng trước những động thái của phương Tây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết "các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận, tiếp cận các thành tựu văn hóa, thông tin, hạn chế tiếp xúc giữa con người với con người là không thể chấp nhận được”.
Nga và Ukraine dự kiến tiếp tục vòng đàm phán thứ 3 tại Belarus vào đầu tuần tới, cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak cho biết. Tổng thống Zelensky cũng khẳng định sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga, bởi đây là cách duy nhất để ngăn chặn xung đột.