Tọa lạc tại thành phố Enerhodar, Tây Bắc tỉnh Zaporizhzhia, cơ sở này còn nằm trong top 10 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhà máy có 6 lò phản ứng hạt nhân theo công nghệ nước áp lực (PWR), mỗi lò có công suất 1.000 MW, theo số liệu của Công ty Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Ukraine (Energoatom). Tổng công suất thiết kế của nhà máy đạt 6.000 MW.
Dù vậy, phải đến tháng 1/2021, nhà máy mới hoạt động hết công suất lần đầu trong lịch sử sau khi lò phản ứng số 5 được sửa chữa, cũng như một đường dây 750 kV kết nối nhà máy với mạng điện bên ngoài được khánh thành. Trước đó, công suất của nhà máy chỉ đạt tối đa 5.300 MW.
Lịch sử lâu đời
Quyết định xây dựng nhà máy được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đưa ra năm 1977. Các lò phản ứng hạt nhân được khởi công từ năm 1980. Năm lò phản ứng đầu tiên được khánh thành trong giai đoạn 1985-1989, trong khi lò phản ứng thứ sáu hoàn thành năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Energoatom, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đóng góp khoảng một phần năm sản lượng điện hàng năm của Ukraine, và khoảng 47% sản lượng điện của hệ thống năng lượng nguyên tử nước này.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine. Đồ họa: CNN. |
Khoảng 11.500 người lao động làm việc trong nhà máy, theo số liệu được cơ sở này cung cấp đầu năm 2014.
Lò phản ứng hạt nhân số 3 - bộ phận bị ngắt kết nối khỏi hệ thống năng lượng hôm 4/3 - vừa được hiện đại hóa và tu bổ năm 2017, giúp lò phản ứng này có thể hoạt động tới năm 2027.
Cơ quan Thanh tra Nhà nước về Quy tắc Hạt nhân Ukraine, Bộ Năng lượng và Công nghiệp Than Ukraine, Energoatom, Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine và một số cơ quan khác có nhiệm vụ kiểm soát mức độ an toàn của nhà máy.
Ngoài ra, các đoàn thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng thường xuyên tới nhà máy để làm nhiệm vụ giám sát quốc tế, đưa ra báo cáo và khuyến nghị về mức độ an toàn.
Nguy cơ an toàn
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm cách vùng chiến sự tại Donbass khoảng 200 km, do đó không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông.
Tuy vậy, một thành viên tổ chức Hòa bình Xanh năm 2014 từng bày tỏ quan ngại nhà máy có thể trúng pháo kích do xung đột.
Toàn cảnh 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: Energoatom. |
Nhà máy từng gặp phải sự cố vào cuối năm 2014, khi một bộ phận bị đoản mạch. Bộ phận này nằm ngoài hệ thống sản xuất điện của nhà máy.
Dù vậy, các lò phản ứng hạt nhân trong nhà máy phải ngừng hoạt động một số lần, dẫn tới tình trạng thiếu điện trên khắp đất nước.
Bên cạnh đó, theo RT, một số tay súng thuộc nhóm vũ trang dân tộc chủ nghĩa cực hữu Pravyi Sektor (Right Sector) của Ukraine từng tìm cách xâm nhập nhà máy năm 2014, nhưng bị cảnh sát Ukraine chặn lại ở cửa ngõ thành phố Enerhodar.
Giới chức nhà máy cho biết hoạt động của họ không bị ảnh hưởng, nhưng an ninh được thắt chặt quanh nhà máy và tại thành phố Enerhodar. Cảnh sát Ukraine tịch thu vũ khí của các phần tử vũ trang, cũng như mở cuộc điều tra hình sự về vụ việc.