Trong bản Thông điệp Liên bang ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp “nhắn nhủ” tới giới tài phiệt Nga: Mỹ và các đồng minh sẽ “tịch thu du thuyền, tịch thu căn hộ cao cấp, tịch thu máy bay riêng của quý vị”.
Thông điệp trên cho thấy áp lực mà giới nhà giàu Nga đang phải gánh chịu sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào nước láng giềng Ukraine.
Kể từ khi chiến sự bùng phát, các chính phủ phương Tây tìm cách phong tỏa tài sản của các tỷ phú Nga, cũng như ngăn chặn những người này đi du lịch. Động thái này có hai mục tiêu chính: Trừng phạt những cá nhân này và góp phần thuyết phục Nga ngừng tấn công.
Giới tài phiệt lao đao
Dường như các lệnh trừng phạt không có nhiều tác dụng lên giới chính trị - quân sự tại Moscow, khi nước này vẫn đang tiếp tục chiến dịch quân sự của mình.
Tỷ phú Mikhail Fridman - người hiếm hoi trong giới tài phiệt Nga công khai bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột - cho biết ông không muốn trực tiếp công kích vì điều này “sẽ không có bất cứ tác động nào tới quyết sách chính trị tại Nga”, trong khi có thể gây hại cho các nhân viên của ông.
Tuy vậy, các tỷ phú Nga đã phải thay đổi nhiều kế hoạch. Tỷ phú 55 tuổi Roman Abramovich đã thông báo rao bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea mà ông sở hữu gần 20 năm qua. Dù ông Abramovich chưa có tên trong các danh sách cấm vận, một số nghị sĩ Anh đang vận động để ông bị trừng phạt.
Tỷ phú Roman Abramovich đã thông báo rao bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ảnh: Action Images. |
Bên cạnh câu lạc bộ Chelsea, ông Abramovich cũng đang tính bán một số bất động sản tại London do lo ngại các lệnh cấm vận.
“Ông ấy sợ bị trừng phạt. Đây là lý do ông ấy sẽ bán căn nhà của mình vào ngày mai, và bán một căn nhà khác nữa”, nghị sĩ Công đảng Anh Chris Bryant tuyên bố, theo Bloomberg.
Trước nguy cơ bị trừng phạt, các tỷ phú Nga tìm cách đổ tiền vào các tài sản an toàn hơn. Chuỗi cửa hàng trang sức cao cấp Bulgari của Italy cho biết doanh số bán hàng của họ tại Nga đang có xu hướng gia tăng trong những ngày qua.
Kể từ đầu tuần này, ít nhất 4 chiếc du thuyền thuộc sở hữu của giới tài phiệt Nga được cho là di chuyển tới Montenegro và Maldives, theo CNBC. Maldives không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, giúp nơi đây trở thành “nơi ẩn náu” cho các tỷ phú Nga.
Tuy vậy, cánh cửa của một số nơi trú ẩn khác đang dần đóng lại. Monaco, địa điểm ưa thích của giới nhà giàu Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự Liên minh châu Âu (EU) từ hôm 1/3.
Thậm chí một quốc gia nổi tiếng trung lập như Thụy Sĩ cũng cấm máy bay Nga bay qua không phận hay cấm một số nhân vật thân cận với Tổng thống Putin nhập cảnh.
Theo dữ liệu của Bloomberg, 21 người giàu nhất tại Nga đã mất tổng cộng 84 tỷ USD trong năm nay. Trong số đó, 39 tỷ USD là con số thiệt hại chỉ trong ngày đầu tiên sau khi Moscow tấn công Ukraine.
Thách thức về tính hiệu quả
Theo các chuyên gia, việc trừng phạt giới nhà giàu một cách có hiệu quả không phải là điều dễ dàng. Nhiều người che giấu phần lớn tài sản qua các công ty bình phong hay những nhân vật thân cận.
“Nếu bạn là một nhà tài phiệt Nga đang ngao du trên du thuyền ở Ấn Độ Dương, hầu hết tài sản có khả năng không do bạn đứng tên”, bà Alison Jimenez, Chủ tịch công ty tư vấn luật Dynamic Securities Analytics, nhận định, theo CNN. “Bạn sẽ có các công ty bình phong đứng tên thay”.
"Siêu du thuyền" Nord của tỷ phú Alexey Mordashov, người được cho là giàu nhất nước Nga. Ảnh: Superyacht Times. |
“Có thể tịch thu du thuyền, máy bay của họ, nhưng họ có tài sản cất giấu khắp toàn cầu”, bà Jimenez nói. “Dù tịch thu được 75% con số này, họ vẫn giàu có hơn nhiều người khác trên thế giới”.
Dù vậy, các lệnh cấm vận vẫn có tác động về tâm lý cũng như tiền bạc. Một số tỷ phú Nga đã lên tiếng kêu gọi Moscow dừng tấn công.
Sau khi xung đột bùng phát, ông Mikhail Fridman, người sinh ra ở miền Tây Ukraine và có quan hệ thân cận với điện Kremlin, gửi một bức thư tới các nhân viên của mình. Trong thư, ông cho biết bản thân muốn cảnh xung đột chấm dứt.
“Cha mẹ tôi là công dân Ukraine và sống ở Lviv, thành phố mà tôi yêu thích. Nhưng tôi sống phần lớn cuộc đời như một công dân Nga. Tôi gắn bó sâu sắc với cả người Ukraine lẫn người Nga và coi cuộc xung đột hiện nay là thảm kịch cho cả hai dân tộc”, ông Fridman viết.
“Cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra thiệt hại về nhân mạng và đem đến tổn hại cho cả hai dân tộc, vốn là anh em trong hàng trăm năm”, ông khẳng định.
Trong khi đó, ông Oleg Deripaska - tỷ phú làm giàu trong ngành sản xuất nhôm - kêu gọi hai bên sớm đàm phán hòa bình.
“Hòa bình là điều quan trọng! Các cuộc đàm phán cần bắt đầu sớm nhất có thể”, ông Deripaska viết trên tài khoản Telegram cá nhân hôm 27/2.