Theo CNN, giờ đây, châu Âu đã có thể thở phào. Trái với những lo ngại trước đó, Nga vừa nối lại dòng chảy khí đốt tự nhiên qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu.
Nếu Nga kéo dài thời gian bảo trì hoặc dừng hoạt động của đường ống dẫn khí, Liên minh châu Âu (EU) có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện.
Tuy nhiên, ngay cả khi đường ống được nối lại hoạt động, giới quan sát cho rằng EU vẫn đang ở tình thế nguy hiểm.
Nord Stream 1 - huyết mạch quan trọng đưa khí đốt của Nga sang châu Âu - vừa được mở lại sau thời gian bảo trì 10 ngày. Ảnh: Reuters. |
Tối đa doanh thu
Năm ngoái, Nord Stream 1 cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Đường ống đã dừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì.
Giới chức lo ngại rằng Gazprom - công ty năng lượng quốc doanh của Nga - sẽ tận dụng cơ hội để giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Lo ngại đó là có cơ sở. Trong những tuần qua, Nga đã ngừng giao khí đốt cho một số nước và công ty năng lượng châu Âu. Nguyên nhân là họ không đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble từ phía Moscow.
Tháng trước, Nga cũng cắt giảm 2/3 lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Moscow đổ lỗi cho phương Tây chậm trả các tuabin họ gửi đi vì đòn trừng phạt. Theo công ty nghiên cứu Eurasia Group, những tuabin này đang trên đường trở về Nga.
Nga muốn tối đa hóa doanh thu năng lượng trước khi châu Âu - khách hàng lớn của Nga - giảm phụ thuộc vào nước này. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn chưa biến mất. EU đang vạch ra các kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong mùa đông.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tính đến năm ngoái, châu Âu vẫn là khách hàng lớn nhất của Nga về khí đốt. Do đó, Điện Kremlin sẽ muốn đạt tối đa doanh thu trước khi EU mạnh tay cắt giảm nhập khẩu.
Hồi tháng 5, EU cam kết cắt giảm 66% tiêu thụ khí đốt Nga trong năm 2022 và dừng phụ thuộc hoàn toàn vào năm 2027.
Theo nhà phân tích Kaushal Ramesh tại Rystad Energy, Moscow vẫn duy trì dòng chảy khí đốt để tối đa hóa doanh thu bằng đồng USD và euro trước khi phương Tây dừng phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Moscow hưởng lợi khi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Nga ghi nhận doanh thu từ dầu và khí đốt xuất khẩu sang châu Âu đạt 95 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức trung bình những năm qua.
Tình thế nguy hiểm
Tuy nhiên, Nga vẫn có thể vũ khí hóa năng lượng như đã làm trước đây. Eurasia Group dự báo lượng khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu sẽ giảm 40% trong năm 2022.
"Ngay cả khi hoạt động của Nord Stream 1 về mức bình thường, Moscow có thể cắt giảm nguồn cung ở những nơi khác, chẳng hạn các đường ống chạy qua Ukraine", công ty tư vấn nhận định.
"Chiến lược đó sẽ làm tổn hại nền kinh tế châu Âu nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, trong khi vẫn tạo ra doanh thu cho nước này", Eurasia Group lập luận.
Châu Âu vẫn đang ở trong tình thế nguy hiểm
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA
Mới đây, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) - cho rằng việc Nga chặn hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu là "kịch bản có thể xảy ra".
Động thái của Nga có thể khiến châu Âu chao đảo. Khối này đang gấp rút dự trữ khí đốt, nhưng các kho dự trữ mới chỉ đạt 65% sức chứa, còn cách xa mục tiêu 80% của EU.
"Nga đang tìm cách tạo sức ép lên chúng ta bằng cách giảm nguồn cung khí đốt", bà von der Leyen khẳng định hôm 20/7. Giới chức châu Âu cũng đưa ra kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt khẩn cấp.
Theo kế hoạch, 27 quốc gia thành viên sẽ phải tự đặt ra các mục tiêu nhằm giảm 15% nhu cầu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.
Theo công ty nghiên cứu Bruegel, khí đốt của Nga chiếm 20% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong tháng 6, giảm mạnh từ mức 40% hồi năm ngoái.
Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - đã giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống 35%.
EU cũng đang gấp rút tìm nguồn cung thay thế như ký kết các thỏa thuận mới, tăng cường sản lượng và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.
Nhưng theo ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA, châu Âu vẫn đang ở trong tình thế nguy hiểm. Vị chuyên gia cho rằng những tháng tới sẽ là "giai đoạn rất quan trọng" để gia tăng nguồn cung của khối.