Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu đầu tư cao tốc Bắc - Nam bằng PPP, khả năng thành công không cao

Từ thực tế triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Chính phủ nhận định nếu tiếp tục triển khai dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công không cao.

Sáng 4/1, sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày tờ trình về 4 nội dung quan trọng được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Trong đó, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 là một trong những nội dung được xem là cấp bách.

Không kịp thời đầu tư, năng lực giao thông sẽ quá tải

Trình bày tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khái quát tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau.

Tổng chiều dài dự án khoảng 2.063 km, quy mô 4 đến 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8-10 làn xe. Đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km và còn 756 km chưa đầu tư.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ trưởng GTVT cho biết Đại hội Đang XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Dự án được kỳ vọng cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vì theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

“Thực tế tại Việt Nam, các địa phương có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước”, ông Thể dẫn chứng.

Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố và tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước.

Đặc biệt, dự án còn kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách...

Vì thế, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.

Song, ông Thể nêu dự báo nếu không kịp thời đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại.

Việc hoàn thành cao tốc Bắc - Nam vì thế sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.

Về phương thức đầu tư, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay, nếu triển khai toàn bộ các dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công sẽ không cao. Và khi không thành công sẽ phải chuyển đổi hình thức đầu tư, làm chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025.

Vì thế, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

“Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Chưa hút được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính

Theo tính toán, Bộ trưởng GTVT cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 147.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 gần 120.000 tỷ.

Chính phủ kiến nghị bổ sung hơn 72.000 tỷ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho ngành giao thông trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Cao toc Bac - Nam anh 1

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía đông. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về lộ trình thực hiện dự án, ông Thể cho biết dự kiến thời gian chuẩn bị dự án từ năm 2021 đến 2022; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022 và 2023; khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Lý giải thêm việc lựa chọn hình thức đầu tư công, Bộ trưởng GTVT nêu thực tiễn triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án, trong đó chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng.

Theo phân tích của người đứng đầu ngành giao thông, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn từ thu phí trên đầu phương tiện.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố. Chính vì vậy, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá dự án đầu tư đường bộ cao tốc theo phương thức PPP vẫn là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hơn nữa, dự án đường bộ cao tốc theo phương thức PPP chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính.

Trong tổng số gần 60 dự án PPP do Bộ GTVT triển khai vừa qua, các nhà đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, năng lực thi công tốt, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo quy định, nhưng tiềm lực về tài chính không mạnh.

Do đó, việc huy động vốn vay của các doanh nghiệp này phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng của ngân hàng, trường hợp dự án phát sinh rủi ro về doanh thu thường chủ động được nguồn lực tài chính để xử lý, nên tổ chức tín dụng rất thận trọng khi xem xét cho vay.

Chính phủ muốn dùng tiền phục hồi kinh tế để xây cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam theo phân kỳ khoảng 146.990 tỷ, riêng giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung gần 72.500 tỷ cho dự án.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm