Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời họp báo ngày 16/11. Ảnh: Reuters. |
"Đánh giá ban đầu chỉ ra sự cố này nhiều khả năng đến từ tên lửa phòng không của Ukraine để đánh chặn tên lửa của Nga", Guardian dẫn lời ông Stoltenberg. "Nhưng tôi muốn nói rõ, đây không phải lỗi của Ukraine. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng, khi xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn".
Ông nói thêm Ukraine có quyền đánh chặn những đợt tên lửa của Nga nhắm vào những thành phố và hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
"NATO đang chuẩn bị cho những sự cố như thế này để ngăn chúng tái diễn, và nếu có thì cũng sẽ đảm bảo rằng mọi thứ không vượt tầm kiểm soát", người đứng đầu NATO nói thêm.
Vụ việc tên lửa rơi xuống ngôi làng ở Ba Lan là lần đầu tiên một quốc gia NATO chịu thiệt hại trực tiếp trong lãnh thổ liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Oleksiy Danilov, Giám đốc hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, nói rằng muốn phối hợp nghiên cứu về sự cố ở Ba Lan ngày 16/11.
Căng thẳng tạm lắng xuống khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng nhiều khả năng đây là một vụ tai nạn do phòng không của Ukraine.
Mảnh vỡ được cho là từ tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow ở Ba Lan ngày 16/11. Ảnh: Reuters. |
"Không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích vào Ba Lan. Nhiều khả năng đó là tên lửa S-300 do Nga sản xuất. Hiện chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy đó là tên lửa do Nga khai hỏa", ông Duda viết trên Twitter ngày 16/11.
Điện Kremlin ngày 16/11 cũng nói rằng không có lý do để leo thang căng thẳng sau vụ việc, TASS đưa tin.
"Với sự cố ở Ba Lan, Nga không liên quan gì", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Thực tế, một vài quan chức cấp cao ở các quốc gia đang ra tuyên bố mà không biết chuyện gì đang xảy ra hay nguyên nhân từ đâu".
Sau khi nhận thông tin về vụ việc, Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga để yêu cầu giải trình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina nói cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan và Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev chỉ kéo dài 4 phút.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.