Các sĩ quan cảnh sát đứng tại một khu phong tỏa sau vụ nổ ở một ngôi làng tại miền Đông Ba Lan ngày 16/11. Ảnh: Reuters. |
"Hoàn toàn không có điều gì cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích vào Ba Lan... Rất có khả năng đó là một tên lửa được sử dụng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Điều đó đồng nghĩa nó được lực lượng phòng vệ Ukraine sử dụng", Tổng thống Andrzej Duda phát biểu trước báo giới ngày 16/11, AFP đưa tin.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết kết quả ban đầu của cuộc điều tra cho thấy vụ nổ này là do lực lượng phòng không Ukraine gây ra.
Theo ông, phân tích sơ bộ cho thấy vụ việc có khả năng là do một tên lửa phòng không của Ukraine bắn ra để chống lại tên lửa hành trình của Nga, Bloomberg đưa tin.
Ông Stoltenberg cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy đây là kết quả của một cuộc tấn công có chủ ý. “Không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị có các hành động quân sự tấn công chống lại NATO”, ông nói thêm.
Trước đó, 3 quan chức Mỹ cũng tiết lộ đánh giá ban đầu chỉ ra tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là do lực lượng Ukraine khai hỏa nhằm đánh chặn một tên lửa Nga, AP đưa tin.
Trước đó nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ít khả năng tên lửa rơi xuống Ba Lan được bắn từ phía Nga, dựa trên quỹ đạo của vũ khí này.
Các đánh giá này trái ngược với thông tin ban đầu rằng tên lửa từ Nga bay tới Ba Lan. Vụ nổ xảy ra tại một ngôi làng gần biên giới Ukraine và đã khiến hai dân thường Ba Lan thiệt mạng. Tên lửa là loại do Nga sản xuất.
Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận có liên quan đến vụ việc này, gọi đây là những hành động "khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang căng thẳng tình hình xung đột".
"Đống đổ nát được truyền thông Ba Lan đăng tải từ hiện trường ở Przewodow không liên quan đến hỏa lực của Nga", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Trung Quốc ngày 16/11 kêu gọi các bên bình tĩnh. "Trong tình hình hiện tại, tất cả bên liên quan nên giữ bình tĩnh và kiềm chế để tránh leo thang tình hình”, bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.