Cảnh sát có mặt tại hiện trường nơi tên lửa rơi xuống, khiến 2 người thiệt mạng. Ảnh: AP. |
3 quan chức của Mỹ nói đánh giá ban đầu chỉ ra tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là do lực lượng Ukraine khai hỏa nhằm đánh chặn một tên lửa Nga, trong bối cảnh có nhiều cuộc tập kích vào hạ tầng điện của Ukraine vào ngày 15/11, AP đưa tin.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ít khả năng tên lửa rơi xuống Ba Lan được bắn từ phía Nga, dựa trên quỹ đạo của vũ khí này.
Các đánh giá này trái ngược với thông tin từ quan chức tình báo Mỹ, nói rằng tên lửa từ Nga bay tới Ba Lan.
Chính phủ Ba Lan đang điều tra và nâng mức cảnh giác của quân đội. Tổng thống Biden cũng cam kết hỗ trợ cuộc điều tra của quốc gia thành viên NATO.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan xác định vũ khí này được sản xuất từ Nga. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đưa ra thông điệp thận trọng hơn, khi nói rằng "khả năng cao" tên lửa được sản xuất từ Nga, nhưng nguồn gốc vẫn cần được xác định. "Chúng tôi đang hành động với sự bình tĩnh. Đây là một tình huống khó khăn", ông Duda nói.
Tuyên bố của Ba Lan không đề cập đến việc liệu đây có phải cuộc tấn công nhầm mục tiêu, hay tên lửa rơi do bị hệ thống phòng thủ Ukraine đánh chặn hay không. Dựa theo ngôn ngữ trong tuyên bố, cả Ba Lan và NATO hiện không cho rằng đây là cuộc tấn công có chủ đích từ Moscow. NATO gọi đây là "sự cố bi thảm".
Một máy bay của NATO bay trên không phận Ba Lan đã theo dõi được tên lửa rơi xuống nước này, CNN đưa tin. "Dữ liệu radar (về quả tên lửa) đã được gửi cho NATO và Ba Lan", quan chức NATO nói. Các máy bay của NATO vẫn duy trì hoạt động trinh sát tình hình Ukraine từ lãnh thổ Ba Lan, kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội Moscow không có cuộc tấn công nào vào khu vực biên giới Ba Lan - Ukraine, TASS đưa tin. "Đống đổ nát được truyền thông Ba Lan đăng tải từ hiện trường ở Przewodow không liên quan đến hỏa lực của Nga", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Hãng RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông "tôn trọng và tin tưởng" tuyên bố của Nga liên quan đến việc tên lửa rơi ở Ba Lan.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.