Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP. |
Theo ông Biden, Mỹ và các đồng minh NATO đang điều tra về vụ tên lửa rơi khiến hai người thiệt mạng tại Ba Lan, Reuters đưa tin.
Khi được hỏi về những tuyên bố rằng vụ nổ có liên quan đến Nga, ông Biden nói: "Tôi không muốn nói điều đó cho đến khi chúng tôi điều tra hoàn toàn về việc này. Tuy nhiên, dựa trên quỹ đạo, nó không có khả năng đã được phóng đi từ Nga”.
Ông Biden đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa các thành viên thuộc nhóm G7 và khối NATO sau khi Ba Lan cáo buộc "một quả tên lửa của Nga" đã rơi xuống miền Đông nước này.
Các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Đức, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Anh đã tham gia cuộc họp này. Ngoại trừ Nhật Bản, tất cả thành viên dự họp đều thuộc NATO, liên minh quân sự bao gồm cả Ba Lan.
Tổng thống Joe Biden phát biểu với báo giới hôm 16/11. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, ông Biden khẳng định Mỹ và các nước NATO sẽ điều tra đầy đủ trước khi hành động.
Việc xác định rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ việc này có thể kích hoạt điều 5 của NATO, trong đó cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào toàn liên minh.
Ba Lan đã triệu tập đại sứ Nga tại Warsaw để yêu cầu giải thích sau khi Moscow phủ nhận liên quan đến vụ việc này.
Bộ Quốc phòng Nga cũng phủ nhận những báo cáo của các phương tiện truyền thông và các quan chức tại Ba Lan, gọi đây là những hành động "khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang căng thẳng tình hình xung đột", Tass đưa tin.
Trong khi Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết quả tên lửa rơi tại khu vực miền Đông của nước này do Nga chế tạo, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã tỏ ra thận trọng hơn khi nói về nguồn gốc xuất xứ của quả tên lửa này.
Ông Duda cho biết các quan chức vẫn chưa xác định rõ quả tên lửa do lực lượng nào phóng đi và được chế tạo ở quốc gia nào.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.