Ngồi cùng nhóm bạn ở chung cư vào những ngày cuối tháng 12, Minh Nhật (25 tuổi, quận Bình Thạnh) nhớ lại thời điểm nơi cô ở có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 7. Khi ấy, cả tòa nhà nhà bị phong tỏa trong 21 ngày.
Vì không có mặt tại chung cư thời điểm phong tỏa nên Nhật không phải cách ly. Tuy vậy, cô gái này bị kẹt lại trọ của người bà con tại quận Tân Bình không dưới 2 lần khi hàng xóm rồi chính những người bạn ở cùng nhà nhiễm bệnh. Đến giữa tháng 9, Minh Nhật mới về được căn hộ của mình.
Đến nay, việc phong tỏa diện rộng không còn diễn ra nữa. Nhiều chung cư tại TP.HCM hàng ngày vẫn xuất hiện F0 nhưng người bệnh có thể được cách ly tại nhà hoặc điều trị tập trung.
“Một năm qua gắn với diễn biến liên tục của dịch bệnh, mọi chuyện đúng là không thể nào lường trước”, Minh Nhật bày tỏ.
Thay đổi sinh hoạt
Với nhiều cư dân, lần dịch bệnh vừa qua đã khiến sinh hoạt của họ đảo lộn. Ở lâu trong nhà, họ tự tập cho mình cách dự trữ thực phẩm, rèn luyện thể lực và hiểu hơn về hàng xóm của mình.
Lúc thành phố phong tỏa lần đầu, Minh Nhật chỉ nghĩ sẽ như đợt phong tỏa 2020, chỉ mất 2 tuần để mọi việc quay trở lại bình thường. Nhưng sau đó là đợt dịch kéo dài với nhiều đau thương cho thành phố.
Một chung cư tại quận 7 dán thông báo cư dân cách ly điều trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: NVCC. |
“Tôi nghĩ chúng ta hãy trân trọng thời gian. Tôi tiếc vì không tận dụng được lúc giãn cách xã hội để học hỏi thêm điều mới”, Minh Nhật nói.
Trong mùa dịch vừa qua, các nhóm mua bán trong chung cư đã giúp Minh Nhật và các bạn cùng phòng đỡ đau đầu khi phải nghĩ đến chuyện mua rau củ thực phẩm. Các nhóm này hoạt động sôi nổi, ngay cả lúc thành phố phong tỏa chặt nhất. Đây là ưu điểm mà cô bạn cho rằng nếu ở nhà mặt đất sẽ khó có được.
Ngược lại, anh Nguyễn Phi Lâm (cư dân chung cư Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh) có nguồn cung rau, củ, quả từ những mối quen nhưng lại không thể có nguồn thực phẩm hỗ trợ cho gia đình và hàng xóm ở chung cư trong thời gian giãn cách.
Một người quen đi lại thì nay chỉ ở nhà với gia đình, mọi công việc đều điều hành qua online, đây là thời điểm anh Lâm ở nhà lâu nhất từ khi dọn về căn hộ vào năm 2017.
Các cửa hàng tiện lợi chung cư đóng cửa, thang máy hạn chế số lượng người ra vào, việc giao nhận hàng hóa được kiểm soát nghiêm ngặt,... ở chung cư hòa cùng nhịp sống im lìm của cư dân nhiều tháng liền. Từ việc cảm thấy ngột ngạt, anh Lâm dần quen với việc vui chơi cùng các con, dành nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe.
“Có những người hàng xóm ở cạnh nhưng lâu nay mình không nói chuyện, nay lại í ới nhắn nhau, san sẻ từng bó rau, mớ thịt. Có người còn làm tình nguyện viên hỗ trợ đi chợ hoặc giúp đỡ y tế các căn hộ khác. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng làm con người gần nhau hơn”, anh Lâm tâm sự.
Cư dân chung cư Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh lập đội đi chợ hộ giúp đỡ cư dân trong thời điểm giãn cách. Ảnh: NVCC. |
Với Trang Đào (cư dân chung cư Chương Dương, TP Thủ Đức), vì dịch bệnh không lên chuyến bay về quê đón Tết Dương lịch sớm như mọi năm, cuộc sống một mình trong căn hộ không khiến cô buồn mà lại cảm thấy may mắn.
Đào nhớ lại khoảng thời gian nửa năm trước, vì sống một mình, lại hay đi công tác nên ít khi tích trữ thực phẩm. Đến khi dịch bùng phát, hàng hóa trở nên khó mua hơn thì cô rơi vào bế tắc khi đồ ăn đã hết.
“Ban đầu tôi rất lo nhưng sau đó thì đã được đội tình nguyện của chung cư hỗ trợ thực phẩm. Quả thật rất may mắn chứ ở nhà mặt đất thì tôi không biết cầu cứu ai”, Đào nói.
Dịch bệnh khiến cô gái trẻ lâu lắm không trang điểm, mua sắm quần áo, mỹ phẩm vì không đi đâu ra khỏi thành phố. Đây cũng là năm cô không có một chuyến du lịch nào. Mọi thứ đều thực hiện trong căn hộ 60 m2 của mình.
"Tôi nấu ăn nhiều thay vì ăn ngoài, mua đồ trang trí nhà cửa thay vì mua vé đi du lịch, xem các video hướng dẫn tập thể dục thay vì dạy trang điểm. May mắn nhất là giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh đã qua và tôi vẫn khỏe mạnh", Trang Đào bộc bạch.
Duy trì nhiều thói quen phòng dịch
Những thói quen tốt hình thành trong lúc ở nhà dài ngày được nhiều người duy trì cho tới nay. Tự nấu ăn, tập thể dục tại nhà, tự test nhanh Covid-19 hay thực hiện 5K là việc làm quen thuộc của mỗi cư dân.
Từ sau bình thường mới tới nay, thay vì chạy bộ một vòng chung cư mỗi sáng, Trang Đào tập thói quen thể dục tại nhà. Lúc đầu, Đào chóng mặt vì di chuyển trong không gian hẹp nhưng sau thì quen dần mặc dù lúc này nội khu đã mở cho mọi người tập luyện.
Nhiều cư dân tại TP.HCM vẫn duy trì thói quen tập luyện tại nhà. Ảnh minh họa: Thịnh Vũ. |
“Bây giờ tôi vẫn còn cảm giác sợ nơi đông người nên vẫn duy trì tập thể dục tại nhà. Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục duy việc này”, Đào nói.
Ngoài ra, những thói quen như ra khỏi căn hộ là đeo khẩu trang, trước khi vứt rác là xịt cồn bao rác, đi thang máy luôn đảm bảo khoảng cách như một điều không thể thiếu trong cuộc sống của Minh Nhật.
“Tôi nghĩ mình sẽ duy trì nó hàng ngày và cả quá trình sau này nữa. Nó đã hình thành như một thói quen khó mà bỏ được”, Minh Nhật cho hay.
Ngày nào, Minh Nhật cũng nấu ăn trưa và tối. Điều này duy trì từ lúc dịch bệnh và giúp cô tiết kiệm được một khoản tiền trong năm nay. Nhật dự định sẽ vào bếp trổ tài chiêu đãi gia đình ở quê dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Còn với Hữu Huy (cư dân một chung cư ở quận 8), test nhanh và xông mũi được anh duy trì thường xuyên sau giãn cách. Việc tự test nhanh anh học được qua mạng trong thời gian tại nhà, khi tầng của mình có F0 và căn hộ phải tự cách ly.
Dụng cụ cắt tóc và thuốc được anh Huy chuẩn bị sẵn tại nhà. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, việc tự cắt tóc, nấu ăn, trồng cây từ đợt giãn cách cũng được anh Huy duy trì tới nay. C sủi, nước súc họng cũng được anh chuẩn bị sẵn phòng lúc cần.
Những ngày cuối năm, anh Huy xem lại quyển tập ghi mục tiêu trong năm viết từ mùng 2 Tết và thấy mình chỉ thực hiện được 1/3 dự định. Tuy vậy, với một năm đầy biến động như 2021, anh tự thấy bằng lòng với những gì mình làm được và mong sớm được tiêm mũi vaccine nhắc lại để về quê đón Tết cùng gia đình.
"Năm trước tuy có dịch nhưng tôi còn chủ quan. Hơn 10 mục tiêu nhưng không có mục tiêu nào đề cập rèn luyện sức khỏe. Một năm dịch bệnh qua đi giúp tôi thay đổi mục tiêu của bản thân và sống lạc quan hơn", anh Huy chia sẻ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.