Chính phủ Mỹ nhận định việc Philippines hủy thỏa thuận quân sự kéo dài 22 năm qua giữa hai nước là quyết định "đáng tiếc". Động thái diễn ra giữa lúc Washington đang muốn củng cố hiện diện tại khu vực, đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, theo Bloomberg.
Với quyết định xé bỏ thỏa thuận tồn tại từ năm 1998 đến nay, chính thức có hiệu lực 180 ngày sau thông báo hôm 11/2, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thực hiện bước đi đầu tiên trong nỗ lực cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ. Nhà lãnh đạo 74 tuổi kể từ khi nhậm chức năm 2016 đã định hướng chính sách đối ngoại Philippines ngày một nghiêng về Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 12/2 nói động thái của Manila là "bước đi theo hướng sai lầm" đối với quan hệ lâu đời giữa hai nước và vị thế chiến lược của riêng Philippines. Hiện hai nước vẫn còn một hiệp định phòng vệ chung, ký vào năm 1951, ràng buộc một nước bảo vệ bên còn lại trong trường hợp nước đó bị tấn công.
Các lực lượng Mỹ và Philippines tập trận đổ bộ vào năm 2014. Ảnh: AFP. |
Bất chấp các nỗ lực thuyết phục từ Mỹ và nhiều quan chức cấp cao Philippines, Tổng thống Duterte vẫn kiên định xé bỏ VFA. Một ngày trước khi gửi thông báo chính thức cho Đại sứ quán Mỹ tại Manila, ông tiết lộ Tổng thống Mỹ Donald Trump và "nhiều người khác" cố gắng cứu vãn thỏa thuận, nhưng ý ông đã quyết và không muốn thay đổi.
Theo Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, động thái khiến Philippines ngày một nghiêng sang Trung Quốc và Mỹ buộc phải cắt giảm hiện diện quân sự.
"Giống với nhiều quyết định khác của Tổng thống Duterte, Trung Quốc có vẻ là bên thắng lợi còn phía chịu thiệt chính là an ninh đối ngoại của Philippines", Cook nhận định.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Loscin tuần qua đã cảnh báo Manila khó tiếp cận được hàng triệu USD viện trợ quân sự từ Mỹ sau khi rút khỏi VFA. Không những vậy, các thỏa thuận thương mại cũng chịu ảnh hưởng lớn từ bước đi này. Nhiều hoạt động diễn tập chung, đặc biệt là công tác huấn luyện cho hàng nghìn quân nhân Philippines với sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ, cũng bị thu hẹp quy mô nghiêm trọng.