"Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác", Salvador Panelo, người phát ngôn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ngày 11/2 khẳng định tại buổi họp báo ở Manila.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Brigido Dulay xác nhận thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA) đã được Ngoại trưởng Teodoro Loscin Jr. ký duyệt trong cùng ngày. Thông báo sẽ được gửi đến đại sứ quán Mỹ ở Manila "ngay lập tức".
Ông Loscin sau đó công bố trên Twitter rằng phó đại sứ Mỹ tại Philippines đã nhận được thông báo. Ông nói chính phủ sẽ không tiếp tục công khai cập nhật thêm về tiến trình này "theo phép giao thiệp ngoại giao", theo Inquirer.
Thỏa thuận ký năm 1998 cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines. VFA cũng cho phép quân đội Mỹ được miễn trừ truy tố bởi những cơ quan chức năng địa phương đối với một số hành vi vi phạm pháp luật Philippines.
Quân đội Mỹ tham gia đợt tập trận đổ bộ bắn đạn thật (PHIBLEX) tại Philippines được hai nước tổ chức thường niên. Ảnh: Reuters. |
Theo các điều khoản được quy định trong VFA, việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày sau khi thông báo chấm dứt được gửi cho phía còn lại, theo Philstar.
Tháng 1, Mỹ hủy thị thực của cựu lãnh đạo cảnh sát Philippines, Thượng nghị sĩ Roland dela Rosa, vì những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi. Động thái này khiến ông Duterte nổi giận và ra thời hạn 1 tháng để Mỹ "sửa sai", bằng không sẽ rút khỏi VFA.
Tại phiên điều trần ngày 6/2, Ngoại trưởng Loscin có cảnh báo việc hủy VFA sẽ gây tổn hại đến an ninh của Philippines và gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte vẫn quyết liệt thúc đẩy việc rút khỏi thỏa thuận quân sự và cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Philippines.
Ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói đích thân Tổng thống Duterte xác nhận với ông rằng VFA sẽ chấm dứt và nhà lãnh đạo kiên quyết không thay đổi ý định.