Nhà lãnh đạo Philippines cũng nói sẽ từ chối hợp tác nếu bị đưa ra xét xử về hậu quả của cuộc chiến chống ma túy do ông khởi xướng, trong đó cảnh sát được khuyến khích “bắn giết” các nghi phạm, theo Reuters.
Đó là tuyên bố mới nhất của tổng thống Philippines chống lại tòa án ở The Hague, Hà Lan, nơi vẫn chưa quyết định có điều tra ông về hàng nghìn cái chết trong cuộc trấn áp ma túy ở Philippines hay không. Các nhà hoạt động nói đã có những tội ác chống lại loài người.
"Bắt giam tôi tại Tòa án Hình sự Quốc tế, không dọa được tôi đâu. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình trả lời những người da trắng này", vị tổng thống luôn hào hứng với những phát ngôn gây sốc nói trong bài phát biểu trước các quân nhân.
Tổng thống Philippines từng có những lần nói bóng gió rằng chính tay ông đã giết các nghi phạm mà không qua xét xử. Ảnh: Reuters. |
"Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ trả lời bất kỳ câu hỏi nào đến từ các ông. Tôi coi đó là trò nhảm nhí. Tôi chỉ có trách nhiệm với người Philippines. Người Philippines sẽ phán xét".
Vị tổng thống mạnh miệng của Philippines nói thêm:" Và nếu các ông treo cổ tôi vì những gì tôi đã làm, cứ thử xem. Rất hân hạnh”.
Ông cũng chỉ trích Liên Hợp Quốc, sau khi cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc phê chuẩn nghị quyết tháng 7 điều tra các cáo buộc lạm dụng ở Philippines.
Tổng thống Philippines nhiều lần chế nhạo Tòa án Hình sự Quốc tế và đe dọa sẽ tát hoặc bắt giữ công tố viên của tòa án này, vốn đã công bố một cuộc điều tra sơ bộ tháng 2/2018 về các vụ bắn giết nghi phạm ma túy.
Ông Duterte, 74 tuổi, phản ứng bằng cách đơn phương hủy bỏ tư cách thành viên của Philippines trong ICC chỉ một tháng sau đó, mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp.
Tuy nhiên, động thái này không tạo sự khác biệt nào vì quyền tài phán của ICC bao gồm các tội ác gây ra trong thời kỳ một quốc gia làm thành viên, theo chuyên gia pháp lý.
Cảnh sát Philippines hứng chịu nhiều chỉ trích xoay quanh cuộc chiến chống ma túy. Ảnh: Getty Images. |
Ông Duterte cáo buộc ICC đã không cho ông hưởng quyền “được coi vô tội cho tới khi bị chứng minh có tội”. Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi động thái của ông là "sai lầm" và "hèn nhát".
Trong một báo cáo ngày 5/12 về các hoạt động của ICC trên toàn thế giới, tòa án này cho biết họ đã "xúc tiến đáng kể" cuộc điều tra, cố gắng kết thúc vào năm 2020, khi đó sẽ quyết định có nên theo đuổi một cuộc điều tra chính thức hay không.
Các nhóm nhân quyền nói cuộc chiến ma túy của ông Duterte đã dẫn đến các vụ hành quyết có hệ thống, và cảnh sát được bao che. Cảnh sát bác bỏ cáo buộc này và nói gần 7.000 người mà họ giết là nghi phạm ma túy có vũ trang và đã chống trả việc bắt giữ.
Nhiều người khác đã chết - ước tính từ vài nghìn đến hơn 20.000 - trong các vụ việc mà cảnh sát nói có thể liên quan đến ma túy, nhưng không nằm trong chiến dịch của họ. Thậm chí, cảnh sát từng có những phát ngôn cổ vũ người nghiện ma tuý hãy giết và đốt nhà những kẻ buôn ma túy.
Người vợ ôm thi thể người chồng thiệt mạng trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines. Ảnh: Reuters. |
Ông Duterte đã hứa khi đắc cử tổng thống năm 2016 sẽ loại bỏ tội phạm và ma túy. Cuối cùng, ông công khai thừa nhận kế hoạch của ông đã thất bại.
Tuy vậy, vị tổng thống nổi tiếng bặm trợn của Philippines đổ lỗi cho sự phổ biến của methamphetamine (ma túy đá), thay vì nguyên nhân mà những người chỉ trích nêu ra: một chiến dịch thiếu sót cốt để gây sốc, nhắm đến người dùng ma túy ở khu ổ chuột thay vì các nhà cung cấp lớn.