Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 21/8 ám chỉ ông muốn hủy các cuộc hội đàm vào tuần sau với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nếu bị ngăn cản việc nêu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, ủng hộ Manila trong tranh chấp trên biển với Bắc Kinh.
Phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Romblon miền trung Philippines, ông Duterte nói: “Họ nói đừng nhắc đến vấn đề đó. Tôi nói không. Nếu là tổng thống một quốc gia có chủ quyền mà tôi không được nói bất cứ gì tôi muốn, thì đừng hội đàm còn hơn”.
Tổng thống Philippines tuyên bố như vậy ngay trước chuyến thăm lần thứ 5 của ông đến Trung Quốc ngày 28/8, nhưng không nói rõ “họ” ở đây là ai.
“Đừng cố bịt miệng tôi vì đó là món quà từ Chúa”, vị tổng thống vốn nổi tiếng với những phát ngôn “dân dã” và gây sốc nói.
Trong bài phát biểu, dường như ông đang ám chỉ ai đó trong chính phủ Trung Quốc: “Thế nên, dù ông có thích hay không, ông vui hay phật lòng, giận dữ hay không, tôi xin lỗi”, theo SCMP.
Tổng thống Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: AP. |
“Nhưng chúng ta phải nêu phán quyết của tòa trọng tài, và nói về chúng ta sẽ nhận được gì nếu bắt đầu thăm dò và khai thác mọi thứ có giá trị ở dưới biển”, ông nói thêm, ám chỉ đề nghị khai thác dầu khí chung của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc đã đề nghị chia 60-40 đối với chương trình khai thác chung, nhưng chưa bên nào giải thích rõ 60-40 là nói về sở hữu, chi phí hay lợi nhuận.
“Đề xuất 60-40 là khởi đầu tốt”, ông Duterte cũng không giải thích rõ các con số.
“Tôi hy vọng rằng sau đó có thể bàn cách hóa giải (bất đồng) về phán quyết một cách hòa bình”.
Ông Duterte mới chỉ “đổi giọng” về phán quyết năm 2016 vào tháng này. Trước đó, ông luôn nói thực thi phán quyết sẽ gây ra chiến tranh và ông muốn lựa chọn đàm phán ngoại giao.
Tuy nhiên, ngày 6/8, phát ngôn viên của ông, Salvador Panelo dẫn lời tổng thống cho biết “thời điểm đã đến” để nêu phán quyết.
Manila và Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan bác bỏ yêu sách chủ quyền dựa vào đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh và coi nó trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc cũng đã ký.
Phán quyết cũng nói Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines với việc tôn tạo các đảo nhân tạo và can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết này.