Đài truyền hình và ba quan chức Iraq xác nhận vụ việc với AP.
"Mỹ và kẻ thù Israel chịu trách nhiệm vụ giết chết Abu Mahdi al-Muhandis và Qassem Soleimani”, Ahmed al-Assadi, người phát ngôn của Lực lượng Huy động Nhân dân (Popular Mobilization Forces) ở Iraq do Iran hậu thuẫn, nói.
Nhiều lần đồn thiệt mạng trong quá khứ
Quan chức cao cấp của Iraq nói xác ông Soleimani được xác nhận bởi chiếc nhẫn ông này đeo.
Tư lệnh Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran, chỉ sau Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ông là người đứng đằng sau một loạt chiến dịch quân sự và ngoại giao giúp mở rộng ảnh hưởng của Tehran ở khu vực.
Kể từ năm 1998, tướng Soleimani đã lãnh đạo lực lượng tinh nhuệ Quds, chuyên thực hiện các chiến dịch bí mật ở nước ngoài. Với vị trí này, ông đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chính quyền của Bashar Assad ở Syria và trong cuộc chiến chống lực lượng IS ở Iraq.
Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, thiệt mạng trong vụ không kích tại sân bay Baghdad. Ảnh: AP. |
Trước đó, ông từng tham gia phục vụ quân đội trong cuộc chiến Iran - Iraq giai đoạn 1980-1988.
Đã nhiều lần vị tư lệnh khét tiếng này bị đồn là thiệt mạng trong đó có vụ rơi máy bay năm 2006 khiến nhiều tướng lĩnh Iran thiệt mạng và vụ ném bom 2012 ở Damascus (Syria) giết chết nhiều cố vấn hàng đầu của Tổng thống Bashar Assad.
Gần đây hơn vào năm 2015 có tin đồn ông bị thương hoặc thiệt mạng khi đang chỉ huy lực lượng trung thành với Assad chiến đấu ở Aleppo của Syria.
Việc tướng Soleimani thiệt mạng sẽ là cú sốc lớn với Tehran và là bước leo thang mới của chiến dịch "sức ép tối đa" của TT Trump đối với Iran - ban đầu xuất phát bằng cấm vận kinh tế và đang chuyển dần sang các biện pháp quân sự.
Lầu Năm Góc sau đó xác nhận Mỹ thực hiện cuộc tấn công, theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, theo AP.
"Tướng Soleimani đang tích cực lên kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và lính Mỹ ở Iraq và trên toàn khu vực”, thông cáo của Lầu Năm Góc nói. “Tướng Soleimani và Lực lượng Quds của ông chịu trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm binh sĩ Mỹ và liên minh, và làm hàng nghìn người khác bị thương”.
Các vụ không kích diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/1 cảnh báo Washington sẽ tấn công phủ đầu lực lượng do Iran ủng hộ ở Iraq và Syria nếu các nhóm này lên kế hoạch tấn công các căn cứ hay nhân sự của Mỹ ở khu vực.
Trước đó, các nhóm dân quân Iraq cho biết 5 thành viên và hai “khách” đã thiệt mạng trong cuộc tấn công nhắm vào xe của họ ở sân bay quốc tế Baghdad.
Các nhóm dân quân này đang tiếp đón “các vị khách quan trọng” ở sân bay Baghdad, chở họ trong hai xe thì bị trúng hai tên lửa, Reuters dẫn thông tin từ các nguồn tin dân quân.
Trong khi đó, hãng tin AFP đưa tin 8 người thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng tên lửa vào sân bay Baghdad, dẫn nguồn tin giấu tên từ an ninh Iraq. "Ba tên lửa bắn vào sân bay quốc tế ở Baghdad", thông cáo từ quân đội Iraq nói, và cho biết tên lửa làm nổ hai chiếc xe.
Đài CNN ban đầu đưa tin trong số nạn nhân thiệt mạng có người đứng đầu về ngoại giao của Lực lượng Huy động Nhân dân (Popular Mobilization Forces) do Iran hậu thuẫn. Hai chiếc xe trúng tên lửa thuộc về lực lượng này, lúc đó đang chở nhân vật cấp cao cùng các vị khác rời khỏi sân bay.
Tư lệnh Lực lượng Huy động Nhân dân (Popular Mobilization Forces) của Iraq, ông Abu Mahdi al-Muhandis. Ảnh: Reuters. |
Các vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ở Baghdad
Trước đó, vào ngày 31/12, đám đông phẫn nộ tìm cách tấn công vào tòa nhà đại sứ quán Mỹ tại Iraq sau loạt không kích của Mỹ làm thiệt mạng 25 tay súng Hồi giáo Shia do Iran chống lưng.
Người biểu tình tổ chức tang lễ cho các tay súng Shia rồi mở cuộc tuần hành vào Vùng Xanh của thủ đô Baghdad, tiến đến đại sứ quán Mỹ. Nhiều người tìm cách trèo tường xông vào tòa nhà.
Họ ném đá và chai lọ vào đại sứ quán, đập vỡ camera an ninh phía bên ngoài. Họ giương cờ dân quân Shia và khiêu khích nhân viên đại sứ quán Mỹ, phun sơn đỏ lên cửa sổ và tường nhà thông điệp ủng hộ lực lượng Kata’ib Hezbollah.
Đám đông tức giận với vụ không kích của Mỹ vào Iraq hôm 29/12. Ảnh: Reuters. |
Họ còn phá cửa bên hông, thường được dùng để cho xe hơi vào khu sứ quán. Hàng trăm người biểu tình đã đẩy cửa vào khoảng 5 mét dù nhóm này vẫn còn cách tòa nhà chính khoảng 200 mét.
Việc người biểu tình vào sâu tới tận khu vực này được cho là có sự cho phép của an ninh Iraq, vốn bảo vệ rất chặt khu vực xung quanh đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Quân đội Mỹ ngày 29/12 ném bom vào cứ điểm của Kata’ib Hezbollah, đáp trả vụ bắn rocket vào căn cứ quân sự Iraq khiến một người Mỹ thiệt mạng.
Đây là cuộc không kích gây thương vong lớn nhất của Mỹ trong vài năm qua nhắm vào một lực lượng dân quân được chính phủ Iraq cho phép hoạt động. Vụ việc là bước leo thang nghiêm trọng trong đối đầu Mỹ - Iran tại Trung Đông.
7 ngày leo thang căng thẳng Mỹ - Iran
Ngày 27/12/2019, nhân viên của nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong vụ bắn hơn 30 rocket vào căn cứ Iraq gần thành phố Kirkuk.
Ngày 29/12, Mỹ không kích nhóm thân Iran khiến 24 dân quân thiệt mạng ở Qaim, Iraq. Hai địa điểm khác ở Syria cũng bị tấn công.
Ngày 31/12, đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị người biểu tình bao vây, phóng hỏa.
Rạng sáng 3/1, Mỹ không kích sân bay Baghdad, giết chết Tư lệnh Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 của Iran. Cùng ngày, Mỹ kêu gọi công dân ở Iraq “rời đi ngay lập tức” vì lo sợ hậu quả vụ tấn công.