Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lo Trung Quốc mua tàu đổ bộ trực thăng từ Pháp

Các nhà phân tích phương Tây nhận định, Trung Quốc khó có khả năng mua lại 2 tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp xuất khẩu cho Nga vì rào cản từ phía Mỹ.

a

Pháp đang tìm khách hàng cho 2 tàu Mistral vốn định bán cho Nga nhưng Mỹ được cho là gây sức ép không cho chuyển giao bởi Trung Quốc có thể là đối tác tiềm năng. Ảnh: Military-today

Ngày 10/5, tờ Duowei News đưa tin, Trung Quốc có thể là khách hàng của 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral mà Pháp bán cho Nga nhưng Mỹ gây sức ép cản trở quá trình giao hàng. Tờ báo tiếng Trung có trụ sở tại New York đưa ra nhận định trên sau khi tàu đổ bộ trực thăng Dixmude (lớp Mistral) cùng một số tàu chiến của Pháp đến thăm Trung Quốc.

Theo Duowei, sau khi Mỹ "gây sức ép" ngăn Pháp chuyển giao 2 tàu Mistral cho phía Nga, Paris lâm vào thế khó. Hồi tháng 7/2014, ARMS-TASS dẫn nguồn tin khu phức hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng bán 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral cho phía Nga, Pháp sẽ phải bồi thường khoản tiền tới 3 tỷ euro (khoảng 4,05 tỷ USD).

Áp lực từ số tiền bồi thường quá lớn khiến Pháp quay cuồng tìm khách hàng thay thế. Một số nguồn tin cho biết, khách hàng tiềm năng của 2 tàu Mistral có thể là Ấn Độ, Brazil, Ai Cập, Canada và Trung Quốc.

Theo Naval-technology, Mistral là lớp tàu đổ bộ trực thăng rất mạnh, chở theo 16 trực thăng hạng nặng, 70 xe thiết giáp hạng nhẹ hoặc 59 xe tăng-thiết giáp kết hợp trong đó có 13 xe tăng chiến đấu chủ lực. Ngoài ra, tàu có thể chở 450 binh lính, 2 tàu đổ bộ khí đệm.

Điểm đáng lưu ý là Pháp đã sửa đổi tàu Mistral để phù hợp với trực thăng Ka-27 hoặc Ka-28. Hai loại trực thăng này có trong biên chế Hải quân Trung Quốc.

Với thực lực công nghiệp quốc phòng khá mạnh, Bắc Kinh cũng có thể sửa đổi lại tàu Mistral để phù hợp với đường lối quốc phòng của nước mình. Bên cạnh đó, Trung Quốc có đủ cơ sở hạ tầng, hậu cần để sử dụng hiệu quả 2 tàu Mistral. Nếu Trung Quốc có 2 chiến hạm này, năng lực giám sát, đổ bộ tấn công của họ sẽ lên một tầm cao mới.

Trung Quốc khó mua tàu Mistral

a
Pháp không thể bán tàu Mistral cho Trung Quốc vì vướng lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu áp dụng từ năm 1989. Ảnh: Wikipedia

Về khả năng mua tàu Mistral của Trung Quốc, Ankit Panda, nhà phân tích các vấn đề châu Á, biên tập viên cao cấp của tạp chí Diplomat nhận định, thông tin trên chỉ là tin đồn không có cơ sở.

Ông lập luận, Washington đang xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc. Họ không thể để Bắc Kinh sở hữu loại tàu đổ bộ "khủng" như Mistral vì như thế chẳng khác nào "hổ chắp thêm cánh" cho Hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông buộc Mỹ phải triển khai lực lượng nhằm ngăn chặn các tham vọng vô lý của họ.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang đẩy mạnh tốc độ đóng mới các tàu đổ bộ. Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 3 tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng Type-071 Ngọc Chiêu. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang lên kế hoạch đóng tàu đổ bộ trực thăng Type-081 tương tự như Mistral. Tuy nhiên, các kế hoạch diễn ra khá chậm do những khó khăn kỹ thuật.

Do đó, theo các chuyên gia, mua tàu Mistral sẽ giải quyết bài toán khó của Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi Washington đã "ngăn chặn" Pháp chuyển giao tàu cho Nga thì càng không có cơ hội nào cho Trung Quốc. Dù Pháp có muốn bán cho Trung Quốc, Mỹ cũng không đồng ý. Bên cạnh đó, châu Âu đang cấm vận vũ khí với Bắc Kinh nên việc mua phương tiện chiến tranh có tính chiến lược như Mistral càng không có cơ sở.

Mỹ - Trung có đối đầu vì Biển Đông?

Kế hoạch triển khai lực lượng đến Biển Đông của Mỹ nhằm giám sát các hoạt động của Trung Quốc làm các nhà quan sát lo ngại có thể dẫn tới khả năng đối đầu nguy hiểm.

'TQ sẽ không đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền VN'

Giáo sư Carl Thayer, người theo sát tình hình Biển Đông, nhận định Trung Quốc sẽ không điều Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam khiến tình hình như năm 2014.

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm