Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khiến Mỹ thủ thế

Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên Biển Đông khiến Lầu Năm Góc cân nhắc khả năng điều máy bay và tàu chiến tới khu vực.

Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng tại đá Chữ Thập.
Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập. Ảnh: EPA

Ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương, cho hay, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết diện tích Biển Đông đang khiến khu vực bất ổn và tiềm tàng nguy cơ xung đột.

"Bộ Quốc phòng sẽ có hành động bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trên Biển Đông, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình, đảm bảo tự do an toàn hàng hải và hàng không, tự do thương mại qua khu vực", tờ Washington Free Beacon dẫn lời ông Shear phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Theo Shear, những hành động gần đây của Bắc Kinh đã lên tới mức báo động. "Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt quyền kiểm soát thực tế và tăng cường sự diện diện quân sự của họ tại Biển Đông", ông nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Shi Yinhong, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận xét: "Lầu Năm Góc chưa đưa ra lời cảnh báo cứng rắn với Bắc Kinh nhưng đã cố gắng thể hiện rằng Mỹ không hài lòng về các dự án xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông".

Giáo sư Shi đưa ra nhận định sau khi các báo cáo cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc ý tưởng điều máy bay quân sự và tàu hải quân tới khu vực 12 hải lý xung quanh bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa. "Tuy nhiên, Bắc Kinh không quan tâm tới động thái đó", Shi nói thêm.

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh có ý đồ biến bãi đá Chữ Thập thành đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa và trở thành một tiền đồn của hải quân sau này cũng như phục vụ các hoạt động thương mại dân sự cho Trung Quốc.

Shi cho hay, trong 5 tháng qua, Bắc Kinh đã tăng tốc các dự án xây dựng tại Trường Sa. "Cho tới nay, chúng tôi không thấy dấu hiệu Bắc Kinh sẽ dừng các dự án xây dựng bởi sự trì hoãn sẽ khiến các công trình đã xây sụp đổ vì sóng cao", ông Shi nhận định.

Mỹ - Trung có đối đầu vì Biển Đông?

Kế hoạch triển khai lực lượng đến Biển Đông của Mỹ nhằm giám sát các hoạt động của Trung Quốc làm các nhà quan sát lo ngại có thể dẫn tới khả năng đối đầu nguy hiểm.

 Mỹ cứng rắn trong tranh chấp Biển Đông

Theo Reuters, sau cuộc họp riêng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Bắc Kinh hôm 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện thái độ "hạ nhiệt", bất chấp lời kêu gọi của ông Kerry trong việc giải quyết căng thẳng tại Biển Đông.

"Việc xây dựng các công trình trên quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các rạn san hô hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc", ông Vương nói.

Đáp lại, Ngoại trưởng Kerry cho biết, Washington cảm thấy băn khoăn về tốc độ và phạm vi cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông. "Thông qua Ngoại trưởng Vương, tôi thúc giục Trung Quốc hành động theo hướng làm giảm căng thẳng và tăng triển vọng cho một giải pháp ngoại giao", ông Kerry nhấn mạnh.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Nhà Trắng có thể không trực tiếp đối đầu với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông vào thời điểm này. Thay vào đó, Washington có thể phản ứng trước những động thái gần đây của Bắc Kinh bằng cách tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia ở Biển Đông, như trong năm 2014. 

Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh quan hệ liên minh với Nhật Bản và Australia, đồng thời tăng tàu chiến và triển khai các đơn vị quân sự khác tới châu Á và Biển Đông, theo Shear. Các hoạt động bao gồm các chuyến thăm của tàu hải quân, máy bay trinh sát, bài tập quân sự chung với Philippines, Malaysia và Việt Nam. 

"Sự hiện diện của Mỹ không chỉ củng cố ngoại giao khu vực, mà còn ngăn cản những hành vi khiêu khích và giảm nguy cơ dẫn tới những tính toán sai lầm trong khu vực", ông nhận định.

Mỹ thách thức yêu sách của Trung Quốc

Với việc đưa máy bay ném bom B-1 đến Australia, Mỹ nói rõ ý định thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

An Nhiên

Bạn có thể quan tâm