Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Reuters |
Trao đổi với Zing.vn, ông Thayer (chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia) bày tỏ quan điểm riêng về những diễn biến vừa qua tại Biển Đông, đồng thời dự đoán những diễn biến tiếp theo.
- Gần đây Trung Quốc đã điều động giàn khoan Hải Dương 981 đến các địa điểm trên Biển Đông. Đến thời điểm này, nó vẫn ở ngoài vùng biển Việt Nam. Vì sao ông từng nhận định rằng Trung Quốc sẽ không di chuyển giàn khoan xâm phạm chủ quyền Việt Nam?
- Mới đây Trung Quốc di dời Hải Dương 981 đến vùng biển ngoài khơi Myanmar. Còn giờ họ lại đưa nó về. Bắc Kinh sẽ không để giàn khoan di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như năm ngoái. Theo tôi, họ không muốn mối quan hệ song phương với Việt Nam trở nên xấu, cũng như không muốn tạo ra làn sóng phản đối Bắc Kinh.
Hơn nữa, Trung Quốc đang hứng chịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì đẩy nhanh tiến độ bồi đắp đất. Bắc Kinh sẽ không gây ra hai vấn đề căng thẳng cùng một thời điểm.
Giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: AFP |
- Tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo ý định triển khai máy bay và tàu chiến tới Biển Đông, cách khu vực Trung Quốc 12 hải lý. Trong quá khứ, Washington từng phản đối Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên biển Hoa Đông năm 2013 bằng cách cho phi cơ B-52 bay qua khu vực này. Theo ông, liệu đụng độ quy mô nhỏ giữa Trung Quốc và Mỹ có thể xảy ra trên Biển Đông?
- Từ lâu Mỹ đã triển khai các máy bay B-52 đến Australia và sẽ luân phiên điều động chúng tại các căn cứ không quân ở đây. Hiện Mỹ và Trung Quốc không có căng thẳng nghiêm trọng. Cả hai bên đều cố gắng điều chỉnh mối quan hệ và tránh để tình hình leo thang.
Trung Quốc sẽ không sớm tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông vì họ chưa có đủ máy bay để kiểm soát nó.
“Chính phủ Mỹ cảm thấy uy tín bị đe dọa và cần phải hành động. Nếu Mỹ không có hành động gì, Trung Quốc sẽ xem thường”, nhà phân tích Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trả lời Wall Street Journal ngày 13/5.
Nhiều khả năng Washington sẽ điều máy bay do thám Poseidon 8 để khẳng định quyền tự do hàng không vì đây không phải phi cơ quân sự.
Chúng ta cần nhớ rằng Mỹ từng phản đối Nga về việc Moscow triển khai máy bay ném bom phi vũ trang đến gần không phận xung quanh đảo Guam. Washington phản đối vì chúng là máy bay quân sự. Do vậy, Nhà Trắng không thể hành động tương tự để tránh việc dư luận gán cho họ mác “đạo đức giả”.
- Một mặt Trung Quốc sẽ phản đối ý định cứng rắn mới nhất của Mỹ, song nhiều chuyên gia cho rằng thực lực quân sự của hai bên có sự chênh lệch. Theo ông, Bắc Kinh sẽ có những động thái nào tiếp theo?
- Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tàu chiến hải quân tập trận trên Biển Đông. Họ sẽ duy trì phạm vi hoạt động của các tàu trong vùng biển quốc tế nên Mỹ sẽ không thể can thiệp.
Vấn đề ở chỗ, quan điểm của Trung Quốc là các tàu chiến Mỹ không thể vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc vùng biển thuộc chủ quyền của nước này nếu Bắc Kinh không cho phép.
Trong khi đó, Mỹ theo đuổi quan điểm truyền thống là Washington có quyền tiến hành các hoạt động quân sự, cũng như điều tàu chiến đi qua EEZ của các nước một cách bình thường và không gây nguy hại (Mỹ chưa ký kết tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - PV).
Do vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai lực lượng tuần duyên và các tàu chấp pháp trên biển, quy trách nhiệm cho Mỹ khiến tình hình leo thang. Theo tôi, đụng độ có thể xảy ra giữa hai bên nếu Trung Quốc muốn can thiệp vào các hoạt động của Hải quân Mỹ.
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xác nhận tham dự Đối thoại Shangri-La vào cuối tháng này tại Singapore. Theo ông, Trung Quốc sẽ phản bác Mỹ và bảo vệ quan điểm của họ như thế nào tại hội nghị?
- Trung Quốc sẽ khá “lớn tiếng” tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Các quan chức của họ sẽ tận dụng mọi cơ hội để chất vấn và chỉ trích Mỹ ở các phiên thảo luận. Theo tôi, Bắc Kinh sẽ áp dụng cùng lúc “chiến tranh thông tin” và “chiến tranh pháp lý”.
Về mặt chiến tranh thông tin, Trung Quốc có thể viện dẫn những hoạt động cải tạo của Philippines. Về chiến tranh pháp lý, Bắc Kinh sẽ bảo vệ những hành động của họ bằng cách bóp méo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cũng sẽ cáo buộc ngược rằng chính Mỹ, chứ không phải họ, là nguyên nhân gây ra các căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh sẽ cố gắng độc chiếm quyền phát biểu tại hội nghị để công kích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
- Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Mỹ vào tháng 9. Theo ông, chuyến công du đó ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông?
- Đến thời điểm này, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn tất việc dàn xếp những căng thẳng hiện tại. Tuy nhiên, cả hai nước sẽ nỗ lực phối hợp để chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra thành công. Nhiều bất đồng vẫn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước nhưng họ sẽ cố gắng giải tỏa căng thẳng.
"Tôi mong muốn phát triển mối quan hệ với Tổng thống Obama, đưa quan hệ Trung - Mỹ lên tầm cao mới, theo kiểu mẫu mới về quan hệ giữa các cường quốc", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/5.
Tình hình năm ngoái phức tạp do Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm EEZ của Việt Nam.
Căng thẳng năm nay sẽ chủ yếu xoay quanh những hoạt động bồi đắp đất của Trung Quốc và lời lẽ chỉ trích từ Mỹ.
Trong thời điểm này, Mỹ đang hành động thận trọng và không thách thức Trung Quốc trực tiếp. Bắc Kinh cũng ngưng hoạt động bồi đắp tại 4 đảo. Thay vào đó, Bắc Kinh chuyển sang củng cố sự hiện diện bằng cách xây dựng hạ tầng trên các đảo mà họ chiếm trái phép.