Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lại tìm cách 'siết' Huawei

Mỹ cân nhắc bổ sung nhiều công ty liên kết với Huawei vào danh sách đen sau khi tập đoàn Trung Quốc ra mắt smartphone dùng chip 7 nm.

Logo Huawei trong một gian hàng triển lãm. Ảnh: Bloomberg.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét bổ sung vào Danh sách Thực thể (Entity List) một số công ty bán dẫn Trung Quốc, liên kết với Huawei Technologies.

Động thái này diễn ra sau khi Huawei công bố đạt nhiều thành tựu bán dẫn trong năm 2023. Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm hạn chế tham vọng làm chủ công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của đất nước tỷ dân.

Nhiều công ty liên kết với Huawei

Hầu hết công ty nằm trong tầm ngắm được xác định là cơ sở sản xuất chip, do Huawei thành lập hoặc mua lại. Danh sách được tham khảo từ bài thuyết trình của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn tại Washington năm 2023.

Một số công ty có thể bị cấm gồm hãng chip Qingdao Si’En, SwaySure và Shenzhen Pensun Technology (PST). Chính quyền ông Biden còn cân nhắc trừng phạt ChangXin Memory Technologies - nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc.

Phóng viên của Bloomberg nhấn mạnh quyết định cuối cùng chưa được đưa ra. Dù vậy, giới phân tích nhận định khả năng các hãng chip bị cấm rất cao.

"Việc bổ sung nhiều công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể của Mỹ là sự kiện rất có khả năng diễn ra.

Biện pháp này dễ áp dụng và lập luận, cũng như ngăn cản một số công ty lớn của Trung Quốc khai thác lỗ hổng trong lệnh hạn chế xuất khẩu", nhà phân tích Edison Lee của ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết.

Công ty Sản phẩm Trụ sở
Qingdao Si'En IC nguồn và vi điều khiển Thanh Đảo
SwaySure DRAM Thâm Quyến
PST Bo mạch Thâm Quyến
SiCarrier Nguyên liệu và máy móc sản xuất chip Thâm Quyến
Pengjin Nguyên liệu và máy móc sản xuất chip Thâm Quyến
CXMT DRAM Hợp Phi

Ngoài các công ty chip, Lee nhận định Mỹ có thể trừng phạt Shenzhen Pengjin High-Tech và SiCarrier, 2 công ty chuyên sản xuất máy móc chế tạo bán dẫn.

Theo Bloomberg, 2 công ty này được cho đóng vai trò trung gian, giúp Huawei sở hữu một số thiết bị sản xuất chip trong diện trừng phạt.

Nguồn tin thân cận chưa rõ liệu Bộ Thương mại Mỹ nắm đủ bằng chứng về các công ty liên kết với Huawei hay không. Dù vậy, chính quyền Mỹ có quyền hạn chế doanh nghiệp nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia, các quan chức cũng không nhất thiết tiết lộ bằng chứng về hoạt động có hại hoặc bất hợp pháp.

Theo nguồn tin, thời điểm Mỹ đưa ra quyết định có thể phụ thuộc tình trạng quan hệ với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến đến Trung Quốc trong đầu năm. Trước đó, quan chức 2 nước đã thảo luận về kế hoạch điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời gian tới.

Sẽ có "hành động quyết liệt nhất"

Giới chức Mỹ được cho đang cân nhắc những chính sách khác, chẳng hạn như điều chỉnh thuế quan hàng hóa, tăng thuế với chip đời cũ của Trung Quốc.

Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đều từ chối bình luận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh "kiên quyết phản đối" các hành động của Mỹ nhằm phá vỡ trật tự thị trường và gây tổn hại cho doanh nghiệp Trung Quốc.

My cam Huawei Trung Quoc anh 1

Các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể, trước đó là lệnh trừng phạt. Ảnh: Bloomberg.

Huawei bị đưa vào danh sách đen từ năm 2019, không thể mua công nghệ của Mỹ trừ khi nhà cung ứng được cấp giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại.

Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Tuy nhiên tháng 8/2023, tập đoàn này bất ngờ ra mắt smartphone Mate 60, dùng chip xử lý tiến trình 7 nm.

Con chip được sản xuất bởi SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.) dù vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, máy móc cung cấp bởi ASML (Hà Lan), Application Materials và Lam Research (Mỹ).

Trung Quốc được cho đã mua những thiết bị này trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đang thăm dò con chip "được cho là 7 nm". Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh sẽ đưa ra hành động "quyết liệt nhất có thể" nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon

Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.

Rắc rối khó ngờ của Apple Vision Pro ở Trung Quốc

Từ năm 2021, Huawei đã đăng ký bảo hộ thương hiệu "Vision Pro" tại Trung Quốc và được giữ độc quyền đến năm 2031.

Công nghệ của Mỹ góp phần giúp Huawei hồi sinh

Nguồn tin giấu tên tiết lộ vi xử lý cao cấp của Huawei có sử dụng công nghệ từ hai công ty Mỹ là Apply Materials và Lam Research.

Mỹ lại muốn chặn đứng Huawei

Bộ Thương mại Mỹ đã đình chỉ giấy phép bán linh kiện cho SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đứng sau thành công của Huawei Mate 60 Pro 5G.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm