Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ đưa tàu chiến tối tân tới châu Á săn đuổi tàu ngầm Trung Quốc

Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa lực lượng tàu chiến tại căn cứ ở Nhật Bản để đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

tau chien my trung quoc anh 1

Quan sát khu vực ngoài khơi thủ đô Tokyo, hoạt động trên mặt nước của Hải quân Mỹ những ngày qua cho thấy dấu hiệu chuyển hướng chiến lược của Washington ở châu Á, theo Nikkei Asia.

Trong tháng 3, Hải quân Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử tập trận ngư lôi tại khu vực Vịnh Tokyo. Từ trên không, trực thăng MH-60R phóng ngư lôi xuống nước, mô phỏng vụ tấn công chống tàu ngầm. Trước đó, tất cả tập trận ngư lôi được tiến hành ngoài khơi San Diego, cách Tokyo nửa vòng Trái Đất.

Đội tàu hùng hậu ở Đông Á

Cuộc tập trận ngư lôi diễn ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ âm thầm cải tổ đội hình tàu chiến tại Nhật Bản. Việc Washington điều động hàng loạt tàu chiến mới hơn, có năng lực tác chiến mạnh mẽ hơn tới gần eo biển Đài Loan phản ánh ưu tiên mới trong chiến lược toàn cầu.

Từ mùa hè 2021, 5 tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã có mặt tại Yokosuka, căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Chúng thay thế các tàu chiến như USS. John McCain hay USS Curtis Wilbur vốn đã phục vụ ở Nhật Bản hơn 20 năm.

Trước đó, tàu chiến Mỹ tại Nhật Bản tập trung chủ yếu vào phòng thủ tên lửa, mối đe dọa chính đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, các tàu chiến mới được triển khai sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.

Nhóm tàu chiến Mỹ sẽ phải tham gia tác chiến phòng không chống lại các máy bay hiện đại từ Trung Quốc, truy tìm tàu ngầm, phòng thủ chống tên lửa diệt hạm và tên lửa đạn đạo.

tau chien my trung quoc anh 2

Tàu khu trục USS Ralph Johnson của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP.

4 trong số 5 tàu khu trục mới được đưa tới Yokosuka thuộc phiên bản Flight IIA được trang bị sàn đỗ trực thăng. Chúng có thể chở theo trực thăng MH-60R như được sử dụng trong cuộc tập trận ngư lôi.

Trực thăng MH-60R sở hữu một hệ thống phóng phao âm, nhiều radar, ngư lôi và tên lửa diệt hạm, giúp chúng truy tìm, theo dõi và tiêu diệt mọi loại tàu ngầm hiện đại. MH-60R được coi là công cụ chính giúp Hải quân Mỹ săn đuổi tàu ngầm đối phương trong tác chiến hiện đại.

Trong cuộc tập trận ở Vịnh Tokyo, trực thăng MH-60R xuất phát từ các căn cứ ở Nhật Bản. Nhưng với thế hệ tàu khu trục Arleigh Burke có sẵn sàn đỗ trực thăng, tầm hoạt động của chúng sẽ được mở rộng hơn nhiều.

"Các khu trục Flight IIA của Hải quân Mỹ mở rộng đáng kể tầm bay và năng lực tác chiến của lực lượng săn ngầm trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các tàu chiến có thể mang trực thăng tới những khu vực nằm ngoài tầm hoạt động của căn cứ trên mặt đất", trung tá Mark Langford, sĩ quan Hạm đội 7, cho biết.

Trong số tàu chiến mới tới Yokosuka, các khu trục hạm USS Howard, USS Deway, USS Ralph Johnson và USS Rafael Peralta thuộc phiên bản Flight IIA.

4 tàu chiến này có 2 sàn đỗ trực thăng, có thể phục vụ nhiều biến thể trực thăng MH-60, cùng nhiều cơ sở vật chất khác phục vụ tái trang bị và sửa chữa máy bay.

Phiên bản cũ của Arleigh Burke cũng có một sàn đỗ nhưng không thể duy trì hoạt động của trực thăng trong thời gian dài.

"Với các sàn đỗ, một tàu chiến phiên bản Flight IIA có thể triển khai trực thăng trong khi vẫn giữ lại một chiếc trên tàu", Trung tá Langford cho biết.

Chiếc duy nhất không có sàn đỗ trực thăng là USS Higgins thuộc phiên bản Flight II. Tuy vậy, USS Higgins vốn được trang bị hệ thống phòng không Baseline 9 Aegis, nhiệm vụ chính là bảo vệ hạm đội trước các loại tên lửa tốc độ cao.

tau chien my trung quoc anh 3

Trực thăng săn ngầm MH-60R. Ảnh: AFP.

Lúc này, 8 khu trục hạm lớp Arleigh Burke đang hiện diện ở Yokosuka, bên cạnh soái hạm USS Blue Ridge, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, và 3 tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường.

Với tổng cộng 13 tàu chiến neo đậu, Yokosuka được coi là một trong các căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Hải quân Mỹ. Tầm quan trọng của căn cứ càng gia tăng trong bối cảnh Washington ngày một lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực, đặc biệt với Đài Loan.

Từ Yokosuka, nếu di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ, hạm đội Mỹ chỉ mất 36 giờ để tới được eo biển Đài Loan.

Một căn cứ quan trọng khác của Hải quân Mỹ ở Nhật Bản là Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki. Căn cứ này thậm chí còn gần Đài Loan hơn so với Yokosuka.

Tại Sasebo, Mỹ có 9 tàu chiến. Trong số này, 5 tàu đổ bộ có nhiệm vụ chính là vận chuyển lính thủy đánh bộ ở Okinawa tới các điểm nóng khi cần thiết.

Răn đe Trung Quốc

Trong quá khứ, quân đội Mỹ từng đối mặt dư luận dữ dội khi tìm cách tăng cường hiện diện ở Nhật Bản. Ví dụ khi tàu sân bay hạt nhân USS George Washington tới Yokosuka năm 2008, hàng trăm người đã biểu tình phản đối.

Nhưng căng thẳng gia tăng trong khu vực thời gian qua đã thay đổi tình hình. Theo thăm dò tháng 4/2021, khoảng 74% người Nhật Bản được hỏi nói họ ủng hộ Tokyo tham gia trong tiến trình duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan. Số người phản đối chỉ là 13%.

Tại báo cáo mới công bố, Cơ quan Khảo cứu chính sách Quốc hội (CRS) đánh giá yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ là "ngăn chặn sự nổi lên của bá quyền khu vực tại lục địa Á - Âu".

Nhìn vào quy mô dân số, tài nguyên và hoạt động kinh tế tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một bá quyền khu vực có thể tập trung đủ sức mạnh để đe dọa lợi ích sống còn của Mỹ, CRS nhấn mạnh.

Hoạt động hàng hải của Trung Quốc và Nga thời gian qua càng khiến Hải quân Mỹ lo ngại.

Tháng 10/2021, 10 tàu chiến Trung Quốc và Nga đi qua eo biển Tsugaru nằm giữa 2 đảo Honsu và Hokkaido của Nhật Bản để ra vùng biển quốc tế. Đây là lần đầu tiên Moscow và Bắc Kinh hoạt động chung tại vùng biển này.

tau chien my trung quoc anh 4

Nhóm tàu chiến Trung - Nga đi qua vùng biển nhạy cảm của Nhật năm 2021. Ảnh: Naval Post.

Vài ngày sau, vẫn là nhóm tàu chiến này đi qua một vùng biển hẹp khác là eo biển Osumi cũng của Nhật Bản.

Về mặt kỹ thuật, tàu chiến Nga và Trung Quốc không xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc 2 lần liên tiếp đưa tàu chiến đi qua các vùng nước nhạy cảm của Nhật Bản bị coi là hành động khiêu khích chưa từng có.

Xét về số lượng tàu chiến, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ để sở hữu hạm đội lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đang đưa các tàu chiến hiện đại nhất của mình áp sát Đài Loan, trong khi Washington không có đủ nguồn lực để mở rộng hiện diện về số lượng như cách Trung Quốc đang làm.

Để đáp trả, chiến lược của Mỹ là phối hợp chặt chẽ với các đối tác, đồng minh để duy trì ưu thế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tại cuộc điều trần hôm 3/5, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley cho biết kịch bản tốt nhất vẫn là Hải quân Mỹ được trang bị nhiều tàu chiến hơn.

"Nhưng thực tế là, điều quan trong nhất là với những tàu chiến chúng ta đang có, phải giữ chúng ở trạng thái sẵn sàng về nhân lực, đào tạo, trang bị", ông Milley nói.

Ông Milley tuyên bố Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác sẵn sàng hợp tác như Nhật Bản, Australia, trong khi Trung Quốc thì không.

Bài liên quan

Duy Anh