Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Hội đồng này, tập hợp các tiếng nói từ khối tư nhân, sẽ đề xuất kiến nghị lên lãnh đạo APEC trong các cuộc đối thoại thường niên, mang lại lời khuyên đối với các ưu tiên cũng như quan ngại của giới doanh nghiệp.
Năm nay, Hội đồng Tư vấn sẽ tập trung kiến nghị lãnh đạo APEC 3 vấn đề. Thứ nhất là hội nhập sâu hơn vào khu vực, dỡ bỏ các hàng rào bảo hộ, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại và đầu tư. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn tài chính. Thứ ba là đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và các tiến bộ về kỹ thuật số.
Zing.vn có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017, về vấn đề này.
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Một trong những ưu tiên của Năm APEC 2017 là khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhưng có vẻ những thành viên trong ABAC đều đến từ các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp lớn?
Ông Hoàng Văn Dũng: Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC được các lãnh đạo APEC thành lập từ năm 1995 với nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ về chính sách. Ở đây chúng ta có đại diện của nhiều nhóm doanh nghiệp, cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Chúng ta tìm kiếm tiếng nói chung từ giới doanh nhân, làm sao để đưa được những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào chính sách. Để đưa chính sách của chính phủ vào đời sống, chúng ta cần phản biện từ doanh nghiệp.
Chúng ta có cả đại diện từ những doanh nghiệp nhỏ. Như Jack Ma chẳng hạn. Jack Ma từng là thành viên của ABAC Trung Quốc và ông ấy là người khởi nghiệp với 150 USD.
- Khi Jack Ma tham gia ABAC thì ông ấy có bao nhiêu USD?
Không, đấy là khi ông ấy khởi nghiệp thôi. Dù vậy, ở đây chúng ta có nhiều doanh nghiệp lớn và thành công, khi hợp tác với họ chúng ta hỏi được kinh nghiệm, họ đi 30, 40 năm thì chúng ta có thể rút ngắn xuống còn 10 năm có thể đi con đường của họ.
- Một ưu tiên khác của năm APEC này là phát triển bao trùm. Giới doanh nghiệp đương nhiên ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng liệu chúng ta có sáng kiến gì để các nhóm khác, những người thiệt thòi hơn không bị “bỏ lại” trong quá trình toàn cầu hóa?
- Chúng tôi mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm phát triển của thế giới, kinh nghiệm trong khu vực. Chỉ có chia sẻ kinh nghiệm mới phát triển. Không có nền kinh tế nào có thể tự mình sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh, chúng ta phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ví dụ, một cái máy bay Boeing của Mỹ có 3 triệu bộ phận, 70% số bộ phận được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, chỉ có 30% là trong nước. Một chiếc điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam nhưng linh kiện được nhập từ nhiều nước để lắp ráp tại đây, và thực tế là người công nhân Việt Nam được hưởng giá trị rất thấp, một sản phẩm với giá 700 USD, chúng ta chỉ được hưởng 10 USD, lợi nhuận hầu hết vào những người có trí tuệ cao, có sáng kiến.
Chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải đầu tư vào khoa học công nghệ, phải có những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam từ khâu nghiên cứu và phát triển đến marketing. Nếu chúng ta vẫn đi làm thuê, mãi mãi chúng ta sẽ “ráo mồ hôi hết tiền”, chúng ta sẽ đi làm thuê cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
Ông Dũng cho rằng lợi nhuận cao nhất trong một sản phẩm sẽ thuộc về những người biết sáng tạo, cải tiến. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Chúng ta nói rất nhiều về một nền kinh tế cải tiến. ABAC có kiến nghị gì về chính sách để thúc đẩy sự sáng tạo, cải tiến trong kinh tế không?
Chúng tôi khuyến nghị xây dựng chính sách, môi trường pháp lý để bình đẳng, rõ ràng, minh bạch, để các công nghệ mới có thể áp dụng một cách nhanh chóng.
Ví dụ như việc áp dụng công nghệ của Uber và Grab, dù họ không có chiếc ôtô vào, không có người lái xe nào, không phải trả lương, họ đặt trụ sở ở Mỹ nhưng mỗi năm họ vẫn kiếm tiền (từ Việt Nam). Chúng ta tốn kém tiền bạc nhưng chỉ là người làm thuê, lợi nhuận, gọi là “phần ván”, họ vớt hết, chúng ta chẳng còn được mấy. Muốn phát triển, chúng ta phải đi vào khoa học công nghệ.
- Dù vậy, Uber và Grab cũng có một số bất cập, như quyền lợi của người lái xe? Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh bình đẳng. Nếu người tiêu dùng có lợi thì chúng ta khuyến khích. Nếu chúng ta vẫn giữ công nghệ cũ thì chúng ta về bị phá sản.
Cả về quyền lợi của người lao động, chúng ta phải đi vào đổi mới, công nghệ mới, không thể giữ lấy công nghệ cũ và bắt người tiêu dụng phải chịu đựng. Chúng tôi khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Những dịch vụ mà khiến người tiêu dùng phải chịu độc quyền thì sẽ dẫn đến cửa quyền, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt. Vì vậy, tôi khuyến khích cạnh tranh để cùng phát triển.