Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (Noru), từ tối 28/9 đến sáng 29/9, tại nhiều địa phương ở Nghệ An như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hoàng Mai, Kỳ Sơn… có mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho biết địa phương đang mưa lớn. Một số xã như Quỳnh Tam, thị trấn Giát, Quỳnh Hồng, Quỳnh Giang, Quỳnh Mỹ… đã ngập cục bộ.
“Một đập nước ở xã Quỳnh Tam có nguy cơ sạt hàng chục mét nên địa phương đã di dời hơn 100 hộ dân vùng hạ du ngay trong đêm. Nếu tiếp tục mưa lớn, nhiều vùng sẽ ngập sâu”, ông Dinh nói.
Người dân và chính quyền địa phương gia cố đoạn đập xung yếu ở xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu), trong đêm. Ảnh: D.N. |
Trong khi đó, nhiều gia đình ở bản Hồi Thợ, xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) xuất hiện vết sụt lún nền nhà kéo dài. Chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực mất an toàn và tháo dỡ nhà cửa nơi có nguy cơ đổ sập để hạn chế thiệt hại.
Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có ít nhất 10 điểm thuộc diện trọng yếu, nguy cơ cao sạt lở tại các xã Hữu Kiệm, xã Mường Típ, xã Tà Cạ...
Tại các xã ở huyện Yên Thành như Quang Thành, Hậu Thành, Xuân Thành, Bảo Thành… mưa lớn cũng khiến nước từ các sông dâng cao, tràn từ ruộng vào nhà dân. Người dân hối hả di dời lúa, tivi, tủ lạnh… lên khu vực cao hơn.
Còn ở TP Vinh, mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 khiến một số tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Đinh Công Tráng… ngập trong đêm.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, hàng loạt thủy điện, hồ thủy lợi ở Nghệ An đã xả nước về hạ du từ ngày 26/9. Trong số hơn 1.060 hồ, đập lớn, nhỏ ở Nghệ An đến nay có khoảng 65% số hồ đã chứa đầy dung tích.
Nước lũ dâng cao, người dân Quỳnh Lưu di dời tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: D.N. |
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn cũng khiến cầu tràn ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, ngập sâu hơn 1 m từ chiều 28/9, đã cô lập hơn 70 hộ dân.
“Đến sáng nay mưa đã ngớt, cầu tràn nước đã rút song xã vẫn khuyến cáo người dân hạn chế qua lại khu vực. Một số khu vực trên địa bàn cũng xảy ra sạt lở đất”, ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên (huyện Hương Khê), thông tin.
Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 4 khiến khu vực huyện Cẩm Xuyên mưa lớn. Hơn 500 m bờ sông Ngàn Mọ (xã Cẩm Thành) bị sạt lở, một số công trình phụ trợ của người dân bị gãy đổ.
Địa phương đã huy động hơn 200 người cùng tham gia đóng 250 cọc tre, vận chuyển 100 m3 đá hộc, 50 rọ thép để gia cố lại bờ sông và vườn cho hộ dân.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.