Hồ chứa nước Kẻ Gỗ ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, được xây dựng từ năm 1976, có dung tích 345 triệu m3. Hồ có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế cho huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Nhiều hạng mục tại Hồ Kẻ Gỗ xuống cấp sau 46 năm vận hành, sử dụng. Ảnh: P. Trường. |
Công trình này được giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý, vận hành và khai thác.
Theo đơn vị quản lý, trải qua 46 năm khai thác, vận hành, đến nay, nhiều mạng mục công trình đầu mối của hồ Kẻ Gỗ bị xuống cấp, hư hỏng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình vận hành và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình, dân sinh, cơ sở hạ tầng vùng hạ du.
Sau trận lũ lịch sử năm 2020, hồ Kẻ Gỗ xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế trong việc điều tiết xả lũ và khả năng thoát lũ vùng hạ.
Cụ thể, tại cống lấy nước kết hợp tràn xả lũ trong cống dưới đập, kết cấu bê tông xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm thực, bong tróc, nhiều vị trí đã lộ cốt thép ra ngoài. Tường ngoài phía tràn xả lũ bên phải cống bị thủng, nước chảy thành dòng lớn, thân cống và tràn trong cống nhiều chỗ bị thấm nước.
Mái thân đập chính hồ Kẻ Gỗ bị sạt lở, gãy đổ. Ảnh: P. Trường. |
Tại vị trí nhà tháp thượng lưu cống và gian thủy nông hạ lưu cống hư hỏng, xuống cấp, bê tông bị nổ, cốt thép rỗ, nước thấm, dột khi mưa bão. Một số vị trí khác tại cửa van phẳng thượng lưu, hệ thống van đĩa, van côn, tràn phụ cũng bị hư hỏng, rò nước, rung động lớn khi vận hành gây nguy hiểm cho cống và thân đập.
Đơn vị quản lý hồ cũng đánh giá hạng mục tràn xả lũ sự cố cần thay đổi thiết kế bằng hình thức tràn chảy tự do thay cho tràn cầu chì tự vỡ. Hoặc, thiết kế tràn xả sâu kết hợp tràn chảy tự do nhằm hạn chế các nhược điểm của tràn cầu chì tự vỡ, đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối, dự phòng bất trắc khi tràn xả sâu bị kẹt cửa, đứt cáp, sự cố khác có thể xảy ra. Cùng với đó, tràn Dốc Miếu cũng cần được sửa chữa, nâng cấp.
Đơn vị quản lý đề xuất điều chỉnh, sửa chữa một số hạng mục của hồ để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Ảnh tư liệu. |
Ngoài ra, hiện nay các phần mềm quản lý, điều hành cũng như các thiết bị dự báo, cảnh báo và phòng chống lũ cho hồ Kẻ Gỗ hầu như chưa có hoặc sơ sài.
“Đơn vị đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, sở ngành liên quan xem xét, có giải pháp điều chỉnh, bổ sung các hạng mục nói trên cho Dự án tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ. Tỉnh cũng đang chờ dự án từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, nói với Zing.
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 348 hồ chứ nước với tổng dung tích 1,57 tỷ m3 nước, trong đó, có 117 hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp song chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, còn có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s, các đập này đều bị thấm, 108 đập bị sạt lở, trượt mái…gây mất an toàn trước mùa mưa lũ.