Năm 2018, The Times công bố một thống kê cho thấy kể từ thời điểm Sir Alex Ferguson giải nghệ vào mùa hè 2013, MU đã chi đến 772,6 triệu bảng để mua cầu thủ. Trong đó bản hợp đồng giá trị nhất chính là Paul Pogba, người trở lại Old Trafford vào mùa hè 2016 từ Juventus với giá 89 triệu bảng.
Phần lớn trong số các bản hợp đồng được MU mua về đều thất bại khi không đáp ứng được kỳ vọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nửa đỏ thành Manchester không thể trở lại đỉnh cao.
Tân binh của MU trong phiên chợ đông vừa qua đang tỏa sáng. Ảnh: Getty. |
Bruno Fernandes là món hời của United?
Tiền vệ người Bồ Đào Nha chỉ mới bắt đầu hành trình của mình ở sân Old Trafford, và có thể còn hơi sớm để nói anh sẽ trở thành một bản hợp đồng thành công của MU. Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu đang cho thấy Fernandes là món thời thật sự trong thời buổi bão giá này.
Sau 1 tháng có mặt tại CLB mới, Fernandes nhanh chóng hòa nhập và tạo ra các hiệu ứng tích cực. Anh ghi 3 bàn và có 2 kiến tạo sau 6 lần ra sân. Điểm tích cực khác còn nằm ở việc ngôi sao 25 tuổi đặt dấu ấn lên toàn bộ lối chơi của "Quỷ đỏ".
Trong thời đại mà một cầu thủ 19 tuổi như Joao Felix có giá 113 triệu bảng, việc MU bỏ ra 47 triệu bảng (có thể lên tới 68 triệu bảng nếu các điều khoản phụ hoàn tất) cho Fernandes là một thành công. New York Times bình luận Bruno Fernandes là bản hợp đồng thông minh, không quá đắt đỏ và phù hợp trong thời buổi bão giá như hiện tại.
Chính HLV Ole Gunnar Solskjaer từng nhiều lần khẳng định điều này với báo chí. MU theo dõi Fernandes từ lâu, nhưng không làm mọi giá để chiêu mộ cầu thủ. Phó chủ tịch Ed Woodward biết CLB chủ quản Sporting Lisbon cần tiền, và sẽ là ngu ngốc nếu đáp ứng mọi yêu cầu của đối phương.
Những điều khoản phụ kiểu như Sporting Lisbon có thể nhận 13 triệu bảng nếu Fernandes giúp... Manchester United vô địch Champions League hoặc giành danh hiệu Quả bóng vàng (Ballon d’Or) có thể khiến nhiều người bật cười vì xác suất khó xảy ra, nhưng nó lại là nghệ thuật trong đàm phán của Ed Woodward.
The Times từng nhận định sau quá nhiều bài học đắt giá trên thị trường chuyển nhượng, vị Phó chủ tịch của MU giờ bắt đầu lọc lõi hơn khi làm việc trong môi trường bóng đá. FourFourTwo thậm chí gọi Ed Woodward là "người hùng trong những cuộc đàm phán".
Bản hợp đồng Daniel James ở mùa hè 2019 là một ví dụ khác. Cầu thủ được MU mua về với giá 15 triệu bảng đã chơi tổng cộng 35 trận cho "Quỷ đỏ" đến lúc này của mùa giải. Xét trên giá trị kinh tế, giá trị James mang lại cho MU lớn hơn nhiều số tiền nói trên. Standard gọi vụ Fernandes là thắng lợi cá nhân của Ed Woodward, trong bối cảnh MU luôn là đội bóng bị đối phương hét giá trên thị trường.
Phó chủ tịch Ed Woodward là người chịu trách nhiệm chính cho các vụ chuyển nhượng của MU. Ảnh: Getty. |
Bí quyết chi tiêu của Ed Woodward
Năm 2015, HLV MU khi đó, Louis van Gaal từng bình luận rằng mỗi khi "Quỷ đỏ" chi tiền mua cầu thủ, họ lúc nào cũng phả trả nhiều hơn các đội khác tới 10 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng.
Thành công trong thương vụ mua Bruno Fernandes có thể tạo ra một bước ngoặt khác trong sự nghiệp đàm phán mua cầu thủ của Ed Woodward, người từng dành cả tuổi thanh xuân của mình để làm một nhân viên kế toán.
Chưa dừng lại ở đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khía cạnh phân tích dữ liệu, thống kê có thể tiếp tục giúp MU chiến thắng trên thị trường chuyển nhượng.
The Athletic tiết lộ đội chủ sân Old Trafford sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong công tác mua sắm cầu thủ, khi lập ra một đội ngũ gồm 8 chuyên gia phân tích dữ liệu để phát hiện các tài năng trên thị trường chuyển nhượng.
Lần đầu tiên trong lịch sử MU có nhiều chuyên gia dữ liệu như vậy để phục vụ cho chuyên nhượng. Đây được xem như bước đi mạnh mẽ nhất của MU trong nhiều năm qua, để cải thiện khâu mua sắm cầu thủ.
Bước đi mới nhất của MU là điều đại kình địch Liverpool đã làm vài năm trước và đạt được thành công. "The Kop" từng bị gắn mác thiếu khôn ngoan trên thị trường chuyển nhượng nhiều năm trước, là nơi "giúp các cầu thủ trung bình hưởng lương cao".
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi trong vài ba năm trở lại đây. Đội chủ sân Anfield mua đâu thắng đó, với các bản hợp đồng như Mohamed Salah, Andy Robertson, Virgil van Dijk hay Alisson... Daily Mail tiết lộ những bản hợp đồng thành công nói trên có đóng góp không nhỏ của đội ngũ phân tích dữ liệu Liverpool. Đội bóng vùng Merseyside đã tận dụng triệt để các lợi thế trong kỷ nguyên số 4.0.
Kể từ thời điểm Sir Alex giải nghệ. MU có một danh sách dài các bản hợp đồng lớn không thành công trên thị trường chuyển nhượng. Đó là Angel di Maria, Memphis Depay, Morgan Schneiderlin, Henrikh Mkhitaryan, Alexis Sanchez,... hay thậm chí là Paul Pogba. Không một đội bóng nào trên thế giới có thể thành công nếu đi sai quá nhiều lần như vậy.
Việc trở nên thông minh hơn trên thị trường chuyển nhượng sẽ là nhân tố cực cốt yếu cho hành trình trở lại đỉnh cao của MU.